Cơm áo không đùa với... ngành y
Vấn đề về xấp đơn xin nghỉ việc của đồng nghiệp trẻ từ các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh gửi về, ông Phạm Văn Khuyến, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, thống kê, chỉ trong vòng chưa tới 01 năm (từ tháng 10/2017 đến nay) đã có đến 20 bác sĩ, dược sĩ đại học xin nghỉ việc, chấp nhận bồi thường kinh phí nhà nước đã hỗ trợ đi học trước đó, có trường hợp cả 2 vợ chồng xin nghỉ, có trường hợp chưa cho nghỉ đã bỏ ngang...
Đưa PV “mục sở thị” xấp đơn “nói lời từ biệt” của các bác sĩ trẻ, ông Khuyến chia sẻ, lương đã thấp rồi mà mới đây còn bị cắt phụ cấp ưu đãi nghề nữa thì đúng là quá khó khăn cho anh em, nên hầu hết ai cũng ra đi vì lý do “cơm áo gạo tiền”, hoàn cảnh khó khăn...
|
|
Xấp đơn xin nghỉ việc của các y, bác sĩ trẻ đang công tác tại Lâm Đồng |
Như trường hợp bác sĩ đa khoa B.Đ.A, quê ở Nam Định, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên. Sau hơn 03 năm công tác, ngày 31/5/2018 vừa rồi, bác sĩ trẻ sinh năm 1990 này đành nộp đơn xin thôi việc.
“Năm 2008, tôi được UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế Lâm Đồng cử đi học lớp bác sĩ Đa khoa hệ chính quy đào tạo theo địa chỉ tại Đại học Tây Nguyên – tỉnh Đắk Lắk. Tháng 11/2014, tốt nghiệp, tháng 02/2015 được phân công công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên và được ký hợp đồng lao động, bố trí làm việc, hưởng mức lương hệ số 2,34”, trong đơn bác sĩ A. kể.
Tuy nhiên, bác sĩ trẻ này đành phải xin nghỉ việc để tìm nơi làm việc mới phù hợp hơn vì từ thời điểm về phục vụ tại địa phương đến nay, mức lương và các khoản phụ cấp nhận được chỉ có 3.472.170 đồng/tháng, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân và hỗ trợ gia đình trong khi bố mẹ già yếu, bệnh tật.
Hay như trường hợp bác sĩ đa khoa B.Đ.D (SN 1990, quê ở Ninh Bình), công tác trong ngành Y tế Lâm Đồng từ tháng 6/2015 đến nay, mới đây cũng đành phải xin thôi việc để ra đi. Bác sĩ D. kể, anh công tác được gần 03 năm với mức lương là 3.042.000 đồng/tháng. Vợ anh cũng công tác trong ngành y tại địa phương với thâm niên 09 năm, lương hệ số 2,46, thực nhận 3.198.000 đồng. Tổng lương của vợ chồng anh hàng tháng là 6.240.000 đồng. Theo thông báo mới đây của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng về việc phải cắt ưu đãi nghề thì thu nhập mỗi tháng của vợ chồng anh chỉ còn 4.919.360 đồng.
|
|
Việc y, bác sĩ nghỉ việc hàng loạt khiến nguồn nhân lực phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng gặp phải rất nhiều khó khăn |
“Vợ chồng tôi đã có 01 đứa con, nhà cửa chưa có phải đi thuê trọ, với mức lương như vậy, chúng tôi hoàn toàn không đủ khả năng trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Do đó, tôi đã phải làm đơn xin thôi việc để tìm nơi làm việc khác phù hợp hơn để giúp trang trải sinh hoạt trong gia đình”, bác sĩ D. ngậm ngùi chia sẻ.
Vì đâu nên nỗi(?)
Trao đổi với PV về vấn đề “chảy máu chất xám” này, Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, xác nhận, đúng là ngành Y tế địa phương đang hết sức “đau đầu” về điều này.
“Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng chưa có các chính sách ưu đãi để thu hút bác sĩ về công tác. Trong khi lương của bác sĩ đại học mới ra trường chỉ có 3.042.000 đồng/tháng, mới đây lại bị cắt phụ cấp ưu đãi nghề, khiến đời sống của anh em gặp rất nhiều khó khăn, nên nhiều thầy thuốc, bác sĩ, dược sĩ đại học, sau một thời gian công tác tại địa phương đành ngậm ngùi “dứt áo ra đi””, bà Yến, cho biết.
Bà Yến giải thích thêm, thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập, từ tháng 4/2012 đến tháng 9/20l7, các đơn vị thuộc Sở đã thực hiện việc chỉ trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ, nhân viên, kể cả diện hợp đồng, nên đời sống của các y, bác sĩ, nhất là các anh em trẻ cũng “dể thở”. Thế nhưng, từ tháng 10/2017 đến nay, theo quy định, y, bác sĩ diện hợp đồng không còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, nên đời sống của nhiều bác sĩ trẻ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, do đó nhiều người đã phải làm đơn xin nghỉ việc.
|
|
Văn bản kiến nghị của Sở Y tế Lâm Đồng đến các cấp để tháo gỡ khó khăn |
Trong khi đó, theo người đứng đầu ngành Y tế Lâm Đồng, mấy năm nay, các đơn vị trong ngành đều được giao tăng thêm số giường bệnh, nhưng không được giao đủ số lượng người làm việc theo định mức tối thiểu của Thông tư liên tịch số 08/2007/TT-BNV-BYT. Đã vậy, còn phải thực hiện nghiêm chính sách tinh giản biên chế theo quy định, nên thời gian vừa qua, ngành Y tế Lâm Đồng đã phải cắt giảm đến 77 biên chế và theo lộ trình thì đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế.
“Việc không được giao đủ số lượng người làm việc đã làm cho các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, như: Không có người bố trí, tuyển dụng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không đủ số lượng người làm việc để bố trí cử viên chức đi đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, chuyên sâu, lý luận chính trí, quản lý nhà nước... Nay lại gặp cảnh y, bác sĩ xin nghỉ việc hàng loạt khiến ngành Y tế Lâm Đồng hết sức “đau đầu””, bà Yến trăn trở.
Trăn trở những giải pháp căn cơ
Trước những khó khăn trên, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, đã có văn bản đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, kiến nghị với các cấp cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, thu hút; đặc biệt là chế độ tạo điều kiện về nhà ở, được ưu tiên mua hoặc thuê nhà chung cư và chế độ đối với sinh viên tốt nghiệp được phân công về công tác về tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung; ban hành chế độ thâm niên nghề nghiệp đối với cán bộ ngành y tế...
|
|
Poster giới thiệu những đãi ngộ “khủng” của một số đơn vị y tế tỉnh bạn để thu hút bác sĩ về công tác |
Bên cạnh đó, cũng đề nghị cho phép tiếp tục được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... ) đối với đơn vị chưa tuyển dụng hết số người làm việc được giao và những đơn vị sự nghiệp tăng giường bệnh nhưng không được giao thêm số lượng người làm việc.
“Trước mắt, cần xem xét tiếp tục cho đối tượng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ sở y tế công lập được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề để đội ngũ y, bác sĩ, nhất là anh em trẻ mới ra trường, giảm bớt gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, yên tâm công tác, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân”, nữ Thầy thuốc Nhân dân đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Tâm An
Thu hút... “chay”
Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc BVĐK II Lâm Đồng, người từng “thân chinh” đi tuyển dụng nhân tài về cho đơn vị, kể, cứ khoảng 20/5 hàng năm, Đại học Y Dược Huế tổ chức ngày hội hướng nghiệp cho các em sinh viên mới tốt nghiệp. Để tham gia và có một gian đăng tuyển nhu cầu trong ngày hội này, mỗi đơn vị phải đóng phí và cử cán bộ tham gia. Các bệnh viện hoặc các địa phương muốn tuyển bác sĩ đều có các poster thu hút nhân tài.
Sở Y tế Phú Yên, BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Sở Y tế Ninh Thuận, BVĐK Ninh Thuận... đều có các chế độ đãi ngộ “khủng” cho bác sĩ về công tác, như: Tốt nghiệp loại giỏi sẽ được 250 triệu đồng, loại khá 200 triệu, loại trung bình 150 triệu, ngoài ra còn hỗ trợ về nhà ở, phụ cấp tiền lương...;
Trong khi đó, 2 BVĐK của tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút “chay” bằng cách giới thiệu đơn vị mình là bệnh viện tuyến tỉnh, có thể thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn sâu, các bác sĩ trẻ về có thể được phân công chuyên môn theo ý thích, theo sở trường, được cho đi đào tạo...
|