Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn gửi các cơ sở y tế chấn chỉnh tình trạng quảng cáo quá mức về tác dụng của tế bào gốc (TBG) trong làm đẹp, nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn phát triển rầm rộ.

 


Không hiệu quả

TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở II ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: TBG từ cơ thể người chỉ có thể thu được từ tủy xương, mỡ và nhau thai. Thông thường, người ta thu TBG từ tủy xương là để chữa những căn bệnh nan y như ung thư máu. TBG có nhiều nhất ở nhau thai, nhưng thế giới đã cấm thực hiện liệu pháp từ TBG nhau thai vì liên quan đến vấn đề nhân đạo. Hiện việc dùng TBG mỡ được áp dụng để làm đầy một số bộ phận trên cơ thể vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm.

Việc lấy máu rồi đưa qua máy ly tâm cũng chỉ có thể thu được sản phẩm gọi là huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma - PRP) chứ không thể thu được TBG. Tệ hơn, nếu là những máy ly tâm thông thường thì chỉ thu được huyết tương. Các mỹ viện đã lợi dụng khả năng kích thích tế bào tại chỗ, tái tạo tăng sinh của tiểu cầu mà tạo nên những liệu trình làm đẹp (trắng da, trẻ hóa da) bằng TBG PRP. “Thực chất PRP chỉ có thể làm hạn chế khả năng bắt màu của tế bào sắc tố chứ không làm sáng da. Nếu da có sự thay đổi sau khi sử dụng PRP thực ra là do tác động của việc lăn kim trong quy trình đưa PRP vào da. Tuy nhiên, kết quả của phương pháp này là không đáng kể” - BS Phạm Xuân Khiêm, Bệnh viện STO Phương Đông cho biết.

Theo TS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng TBG, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, việc sử dụng những sản phẩm chưa được thẩm định về chất lượng, thực hiện không đúng cách sẽ có thể gây viêm nhiễm cục bộ, dị ứng…

ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, đã từng tiếp nhận một số trường hợp bị nhiễm trùng do lăn kim, đưa dưỡng chất vào da. Thông thường sau lăn kim khoảng ba ngày, da mặt sẽ không còn sưng đỏ, nhưng đến gần một tuần, bề mặt da những bệnh nhân này vẫn bị tổn thương, đỏ, dày lên. Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, siêu vi khuẩn hay nấm, trong quá trình lăn kim hoặc quá trình chăm sóc. Nhiều bệnh nhân đến điều trị muộn, vết nhiễm trùng đã tạo hốc mủ nên để di chứng nặng nề, bị sẹo sâu.

Đối với các mỹ phẩm làm đẹp được quảng cáo là chiết xuất từ TBG dù động vật hay thực vật, TS Lê Ngọc Diệp khẳng định: “TBG chỉ ở trên cơ thể sống, không thể tồn tại trong môi trường sản phẩm. Việc đưa vào cơ thể các chế phẩm có thể gây phản ứng đào thải hoặc gây dị ứng, hình thành những khối u. Vì vậy, những mỹ phẩm dạng này thường không mang lại hiệu quả điều trị rõ ràng, đặc biệt là bệnh nám da”.

 

Theo An Hà

Phụ Nữ TPHCM

.