leftcenterrightdel
 Cúm gia cầm A/H5N1 nguy hiểm khi lây cho người.

Công văn khẩn từ Viện Pasteur ban hành sau khi tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam có ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong, chuyên gia khuyến cáo các địa phương trong nước cần giám sát các ổ dịch cúm gia cầm. Tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi, đến, ở từ vùng có dịch. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Các đơn vị kiểm dịch y tế giám sát chặt chẽ người ra, vào, ở vùng có dịch cúm gia cầm A/H5N1, đồng thời phối hợp với đơn vị kiểm dịch động thực vật giám sát gia cầm, động vật thủy sản vào Việt Nam qua cửa khẩu và qua đường mòn lối mở.

Trung tâm kiểm soát các tỉnh, thành phố phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành. Việc xử lý ổ dịch cúm gia cầm được thực hiện theo quy định.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế để xử lý kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng. Song song đó, cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.

Triển khai ngay công tác truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh gia cầm như: Vệ sinh cá nhân; Không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.

Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B. Tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%.

Hoài Thu