5 năm trở lại đây, trên địa bàn Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm não mô cầu. Tuy nhiên, trước tình hình bệnh xuất hiện tại Hải Dương và Hà Nội trong những ngày qua, đặc biệt thời tiết mùa xuân là điều kiện lý tưởng cho viêm não mô cầu bùng phát.

 

 

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, cho rằng dịch rất có thể xâm nhập từ các nơi khác vào Đà Nẵng, bởi Đà Nẵng có lưu lượng người tập trung cao, là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế...

 

* Thưa ông, viêm não mô cầu đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc và có trường hợp tử vong rất nhanh. Vậy nguy cơ Đà Nẵng đối mặt với dịch bệnh này như thế nào?

 

- Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thông thường 3-4 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.

 

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.

 

Bệnh viêm não mô cầu là bệnh hiếm gặp. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, trên địa bàn Đà Nẵng chưa ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, dịch rất có thể xâm nhập từ các nơi khác vào Đà Nẵng, bởi thành phố có lưu lượng người tập trung cao, là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế (nằm trên quốc lộ 1A, có cảng biển, sân bay), thời tiết hiện nay lại đang thuận lợi cho bệnh dịch lây truyền.

 

* Tình trạng khan hiếm vắc-xin viêm não mô cầu đang xảy ra ở các thành phố lớn, còn tại Đà Nẵng hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?

 

- Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.

 

Đến nay, chưa có loại vắc-xin nào phòng bệnh viêm não mô cầu bảo đảm gây miễn dịch đủ cùng lúc cho cả 6 nhóm A, B, C, X, Y và W135. Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, hiện tại Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu được cấp phép sử dụng.

 

Thứ nhất là Meningococcal polysaccharide vaccine AC của Pháp sản xuất, tiêm cho trẻ đủ từ 2 tuổi (kể cả người lớn) và tiêm nhắc lại sau 3 năm. Do nguồn cung cấp có hạn so với nhu cầu tiêm chủng của người dân nên từ tháng 6-2015 đến nay, vắc-xin này không đủ đáp ứng trên cả nước. Loại thứ hai là VA-MENGOC BC của Cuba sản xuất, dùng tiêm cho trẻ đủ từ 3 tháng tuổi (kể cả người lớn) và tiêm nhắc lại sau 2 tháng. Loại vắc-xin này Đà Nẵng hiện có sẵn số lượng tương đối lớn.

 

Theo ghi nhận, mật độ người dân đến tiêm vắc-xin não mô cầu trong những ngày qua tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố có dấu hiệu gia tăng nhẹ so với thời gian trước, nhưng không đáng kể, trung bình 15-20 lượt tiêm/ngày.

 

Để tiêm vắc-xin não mô cầu, người dân Đà Nẵng có thể đến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các trung tâm y tế quận, huyện và một số đơn vị y tế tư nhân.

 

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang nỗ lực liên hệ với các hãng cung cấp vắc-xin để nhận được số lượng nhiều nhất và nhanh nhất nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh cho người dân.

 

* Vì sao viêm não mô cầu có thể gây tử vong nhanh chóng? Đà Nẵng đang thực hiện những giải pháp gì và người dân cần làm gì để phòng bệnh, thưa bác sĩ?

 

- Bệnh viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó, viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như: chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8-15%.

 

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh từ năm 1991-2000 ở Việt Nam là 2,3/100.000 dân và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất (0,03/100.000 dân). Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện tản phát trong suốt năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân.

 

Để phòng, chống bệnh viêm não mô cầu, thành phố Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực: Hằng năm, ngành Y tế chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thường xuyên giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp viêm não mô cầu tại bệnh viện và cộng đồng nhằm kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức tốt công tác chẩn đoán, cách ly và điều trị bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tử vong do bệnh, v.v…

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với bệnh viêm não mô cầu, tỷ lệ người lành mang trùng rất lớn. Trong điều kiện bình thường, khoảng 5-10% dân số mang vi khuẩn Neisseria Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý. 

 

Vì thế, để phòng bệnh, cách tốt nhất là người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường... Hạn chế tiếp xúc với người nghi bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em.

 

Khi có các biểu hiện như: sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội…, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ.

 

Theo Báo Đà Nẵng

.