Khám sức khỏe định kỳ: Đừng chần chừ!
Cập nhật lúc 22:18, Thứ năm, 13/10/2016 (GMT+7)
Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp theo dõi, tầm soát nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư (khám sức khỏe, khám định kỳ, BV Bạch Mai, bệnh nhân, ung thư)
Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp theo dõi, tầm soát nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư
Nhận kết quả bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối cách đây ít ngày, bệnh nhân H.V.Q - 56 tuổi, ở Hà Nội - vô cùng bất ngờ. Ông không nghĩ các biểu hiệu thường gặp của mình trong gần 2 năm qua là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh đáng sợ này.
Lưu ý dấu hiệu cảnh báo sớm
Ông Q. cho biết từng bị chẩn đoán viêm dạ dày nên chấp nhận chung sống với cảm giác khó chịu của đường tiêu hóa (đau bụng, ợ hơi, đầy bụng). Cho đến khi thấy người thường xuyên mệt mỏi, đi ngoài ra máu, nôn, sút cân không rõ nguyên nhân..., ông mới chịu đi khám thì đã quá muộn.
Theo GS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), bệnh nhân Q. được xác định ung thư đại tràng giai đoạn cuối, đã di căn sang gan và phổi. “Nhiều bệnh ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày, đại - trực tràng thường có các dấu hiệu cảnh báo sớm. Khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn như thế này thì khoảng 2 năm trước đã xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo. Thế nhưng, bệnh nhân Q. đã bỏ qua, không đi khám” - ông phân tích.
GS Giang cho biết khá nhiều bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được phát hiện ở giai đoạn muộn và đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ. Thực tế tại BV Việt Đức, trong số 150-200 ca phẫu thuật mỗi tuần thì có đến 30%-40% trường hợp liên quan đến ung thư. Riêng với ung thư dạ dày, mỗi tuần có khoảng 15-20 trường hợp được chỉ định phẫu thuật; nam giới mắc nhiều hơn nữ giới, trong đó có những nam thanh niên khoảng 30 tuổi.
Theo GS Giang, nhiều người có tâm lý sợ khám bệnh vì lo rằng sau khi khám lại phát hiện bệnh nào đó, nhất là ung thư. Số khác thì dù phát hiện bệnh nhưng vì sợ “đụng dao kéo” nên sử dụng các biện pháp như bỏ đói tế bào, ăn gạo lứt... để khối u “chết dần chết mòn” và chỉ nhập viện khi đau không chịu nổi.
“Các biện pháp này không điều trị được bệnh mà ngược lại, càng khiến ung thư phát triển nhanh và khi đến BV thì đã không còn điều trị được nữa” - ông Giang cảnh báo.
|
Các bác sĩ cảnh báo bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa ngày càng trẻ |
Không phải cứ ung thư là bó tay!
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc ung thư mới, trong đó 70% phát hiện muộn và tử vong. Nhiều người nghĩ rằng ung thư là “cái số” nên mặc kệ, không đi khám sức khỏe định kỳ hoặc từ chối điều trị vì “đằng nào cũng chết”.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Đào Văn Long, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai (Hà Nội), ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa nếu được phát hiện sớm. Với ung thư đại - trực tràng vốn là một trong những ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt, cần phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư. Ở giai đoạn sớm nghĩa là khi tế bào ung thư chỉ nằm tại lớp niêm mạc, có thể áp dụng phương pháp nội soi cắt tách dưới niêm mạc lấy bỏ toàn bộ vùng ung thư tại lớp niêm mạc mà vẫn giữ nguyên được đại - trực tràng. Sau khi cắt tách niêm mạc, bệnh nhân khỏi hoàn toàn mà không phải chịu phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng, đồng thời không phải dùng tia xạ hoặc hóa chất để điều trị. “Muốn phát hiện sớm và chữa khỏi ung thư đại tràng thì cách tốt nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có nội soi đại tràng” - GS Long khuyến cáo.
GS Trần Bình Giang khuyên nữ giới sau tuổi 40 và nam giới sau tuổi 45 nên khám sức khỏe định kỳ khoảng 1 năm/lần để phát hiện những bất thường về sức khỏe. Trường hợp bệnh nhân soi chẩn đoán đường tiêu hóa phát hiện tổn thương trong dạ dày hay đại - trực tràng thì nên kiểm tra lại sau 6-12 tháng và theo tư vấn của bác sĩ.
Thực tế cho thấy hầu hết người dân chỉ đến các cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe chứ không có thói quen đi khám định kỳ. Thậm chí, nhiều người từng có ý định đi nội soi dạ dày, đại tràng nhưng vì nghe nói rất khó chịu nên chần chừ cố chịu. Phần đông người dân vẫn mang tâm lý đau quá nặng mới đi khám, còn đau nhẹ thì chỉ ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. “Chẳng hạn, với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể chỉ cần nội soi hớt phần niêm mạc bị ung thư và giữ nguyên dạ dày. Còn nếu ở giai đoạn muộn, bệnh nhân vừa phải phẫu thuật vừa xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó” - GS Giang lưu ý.
Các bác sĩ cho biết ngoài lý do sợ khám bệnh sẽ... phát hiện thêm bệnh, nhiều người còn nản lòng vì tình trạng chờ khám quá lâu ở không ít BV.
Nhiều phương pháp phát hiện sớm
PGS Đào Văn Long cho biết nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, trên 90% bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sống thêm từ 5 năm trở lên. Nếu khối u đã di căn thì tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ 3%-20%.
Các phương pháp phát hiện sớm hiện có tại Việt Nam cho phép bác sĩ chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa sớm hơn nhiều so với trước đây, giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường sau điều trị. Nhờ thiết bị siêu âm nội soi, bác sĩ có thể cắt hớt vùng niêm mạc có khối u thay vì phải cắt bỏ vùng dạ dày hay đại - trực tràng có khối u. |
Theo Ngọc Dũng/Người lao động
.