leftcenterrightdel
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau cuộc phẩu thuật thành công 

Chị Hạnh (Phú Thọ) mang thai khi đã bước sang tuổi ngoài 40. Mặc dù chị cùng gia đình đã ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn khi mang thai lớn tuổi, tuy nhiên chị đã bỏ qua những dấu hiệu về bệnh lý tiền sản giật. Vào những ngày sắp sinh, chị thấy đau bụng và vào Trung tâm sản nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ để thăm khám.

Sau một thời gian ngắn theo dõi chuyển dạ, sản phụ Hạnh được chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm nhập viện. BSCKII. Nguyễn Tiến Công – Trưởng khoa Sản thường, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho chị Hạnh chia sẻ: “Bệnh nhân Hạnh có tiền sử tiền sản giật trong quá trình mang thai, tuy nhiên người bệnh chủ quan và không sử dụng biện pháp điều trị nào.

Ngay sau khi nhập viện, sản phụ đã được chúng tôi theo dõi rất sát sao. Sau gần 1 giờ, sản phụ xuất hiện nhiều cơn co tử cung, huyết áp tâm thu tăng lên đến 190mmHg, đó là một dấu hiệu hết sức nguy hiểm cho sản phụ nên chúng tôi nhanh chóng chỉ định mổ lấy thai cấp cứu”.

Tuy nhiên, khi vừa lên bàn mổ, sản phụ Hạnh bắt đầu xuất hiện cơn sản giật, toàn thân co giật liên tục, tinh thần hoảng loạn, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn. “Tình thế lúc đó vô cùng nguy kịch. Ngay lập tức, chúng tôi đã báo động đỏ đến các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, phòng Hồi sức sơ sinh, cùng với kíp gây mê để cấp cứu sản phụ và thai nhi” – bác sĩ Công nói.

ThS.BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản nhi cho biết thêm: “Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc khi nhận được báo động về tình trạng một sản phụ đã ngừng tuần hoàn trong khi chuẩn bị phẫu thuật lấy thai. Sản phụ cần phải phẫu thuật lấy thai ra ngoài để đình chỉ thai nghén ngay lập tức”. Một ê kíp các bác sĩ khoa Sản thường, Gây mê hồi sức và Hồi sức tích cực – Chống độc, Nhi sơ sinh đã phối hợp hết sức nhịp nhàng.

“Bên dưới phẫu trường các phẫu thuật viên vẫn thực hiện phẫu thuật lấy thai nhi ra nhanh chóng, còn ở phía trên, chúng tôi tích cực tiến hành các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn cho sản phụ gồm có: Xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản để thông khí nhân tạo, dùng các thuốc trợ tim và vận mạch. Đến 23h55 phút, cháu bé đã chào đời an toàn và cất tiếng khóc đầu tiên.

Trong khi sản phụ Hạnh vẫn trong tình trạng nguy hiểm, xuất hiện những cơn rung thất sau ngừng tim, mạch và huyết áp chưa thể đo được. Chúng tôi vẫn tiếp tục xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện khử rung tim. Và chính tiếng khóc chào đời của em bé như đã tiếp thêm sức mạnh cho sự khẩn trương và nhịp nhàng không biết mệt mỏi để chúng tôi quyết tâm giành lại sự sống cho mẹ cháu”.

Sau 45 phút cấp cứu tích cực, 2 lần sốc điện, tim của sản phụ đã đập trở lại, huyết áp đo được tại thời điểm đó là 90/60 mmHg, tình trạng oxy máu ổn định. Sản phụ được đưa về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục điều trị. Tại khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân tiếp tục được thở máy, an thần, duy trì các thuốc trợ tim mạch, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm và điều trị các thuốc phối hợp theo phác đồ, sau 25h thở máy toàn trạng bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân được cho thoát mê, dừng thở máy và rút ống nội khí quản.

Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của cả hai mẹ con chị Hạnh đã ổn định và được chỉ định ra viện.

Lê Sử