Các bác sĩ cho rằng xét nghiệm sai dẫn tới chẩn đoán, điều trị sai, gây nhiều hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Theo luật sư, bệnh nhân bị bệnh viện trả kết quả xét nghiệm giả có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe và kinh tế.
 
 
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, thuộc Đại học Y dược TP HCM, cho biết để chẩn đoán một bệnh, ngoài việc dựa vào xét nghiệm thì còn nhiều yếu tố khác như khám lâm sàng, kết quả các cận lâm sàng khác: X-quang, CT (XQ cắt lớp vi tính), MRI (cộng hưởng từ hạt nhân), siêu âm, nội soi… Tuy nhiên có những bệnh mà kết quả xét nghiệm đóng vai trò chính để quyết định cho việc chẩn đoán và điều trị. Chẳng hạn trong bệnh tiểu đường, bệnh thận, việc xét nghiệm đóng vai trò tiên lượng và chẩn đoán bệnh. Với bệnh tuyến giáp, xét nghiệm giúp xác định cường giáp hay suy giáp để có phương pháp điều trị khác nhau.
 
Theo phó giáo sư Thắng, những sai sót trong quá trình xét nghiệm sẽ khiến bác sĩ chẩn đoán sai bệnh; từ chẩn đoán sai đến điều trị sai, bệnh không khỏi mà nặng thêm dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh…
 
Những bệnh như bệnh dễ chảy máu, nếu không biết trước tình trạng này thì có thể sau phẫu thuật bệnh nhân không cầm được máu, dẫn tới tử vong. Mục đích xét nghiệm để biết máu của bệnh nhân có đủ thực hiện cuộc phẫu thuật hay không, nếu bệnh nhân thiếu máu mà kết quả sai cho là đủ thì rất nguy hiểm. Trong truyền máu, nếu xác định nhóm máu của bệnh nhân sai có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Một số bệnh nhiễm trùng, dựa vào số lượng từng loại bạch cầu tăng giảm để đưa ra quyết định điều trị khẩn cấp; nếu chậm trễ có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng kể cả nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.
 
“Một số xét nghiệm chuyên biệt hơn như giải phẫu bệnh cho biết viêm hay u gì, u lành hay ác, nếu chẩn đoán sai thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. U ác mà chẩn đoán là u lành thì bệnh nhân không được điều trị đúng mức. Ngược lại nếu lành mà chẩn đoán u ác thì bệnh nhân lại bị điều trị quá mức, tốn kém về tài chính. Ngoài ra còn bị tàn phế vì mất đi một phần cơ thể không đáng phải mất”, ông Thắng nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội hóa sinh y học Việt Nam cũng cho rằng xét nghiệm có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm, chẩn đoán, tiên lượng, điều trị và theo dõi bệnh. Phần lớn các quyết định lâm sàng của bác sĩ căn cứ vào kết quả xét nghiệm. Hiện nay xét  nghiệm chiếm đến 80% trong các dịch vụ y tế. Chẩn đoán sai sẽ dẫn đến nhiều trường hợp nguy hiểm. Chẳng hạn bệnh ung thư, nếu người bệnh được chẩn đoán là không bệnh, để qua “thời điểm vàng” thì sẽ khó giữ được tính mạng, chi phí điều trị cũng gia tăng rất nhiều. Làm tốt khâu xét nghiệm, bác sĩ mới có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định điều trị đúng đắn, kịp thời cho bệnh nhân.
 
"Việc xét nghiệm ngày càng đạt hiệu quả vì máy móc hiện đại hơn. Tuy nhiên, công cụ mới phức tạp đòi hỏi người làm xét nghiệm, người chẩn đoán phải nắm vững các kỹ năng sử dụng, liên tục cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới để công việc hiệu quả", ông Tòng chia sẻ.
 
Theo ông Tòng, bên cạnh công tác xét nghiệm thường quy thì công tác kiểm chuẩn giữ vai trò quan trọng, giúp đảm bảo tính khoa học, đúng đắn và khách quan của kết quả xét nghiệm khi đến tay bác sĩ lâm sàng cũng như bệnh nhân.
 
Để hạn chế tối đa kết quả xét nghiệm sai lệch thì các phòng xét nghiệm phải thường xuyên thực hiện Nội kiểm và Ngoại kiểm. Xét nghiệm đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, do đó từ năm 2010 Bộ Y tế đã quyết định thành lập 2 Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, một trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, một trực thuộc Đại học Y dược TP HCM. Sau này Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm của TP HCM gia nhập vào, nên cả nước có 3 trung tâm.
 
Các trung tâm này có nhiệm vụ thực hiện các xét nghiệm tham chiếu về thông số xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản gồm hóa sinh/miễn dịch, huyết học và đông máu cơ bản, vi sinh cơ bản, sinh học phân tử... của phòng xét nghiệm tại những cơ sở y tế công lập và tư nhân. Trung tâm cũng tổ chức hoạt động ngoại kiểm, thực hiện việc kiểm định, đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y học của những cơ sở y tế công lập và tư nhân trong cả nước.
 
“Các trung tâm mới thành lập nên hoạt động chưa được nhiều. Khi các phòng xét nghiệm đều tham gia ngoại kiểm thì có rất nhiều lợi ích như kết quả xét nghiệm sẽ được chuẩn hóa thường xuyên, thống nhất chung, không có sự chênh lệch kết quả giữa các phòng xét nghiệm. Uy tín của các phòng xét nghiệm sẽ được đảm bảo. Người bệnh khi chuyển bệnh viện để điều trị sẽ không phải xét nghiệm lại từ đầu, không mất thời gian chờ đợi và không tốn thêm tiền bạc xét nghiệm lại”, phó giáo sư Thắng lý giải.
 
Luật sư Phạm Quang Quyền, Công ty Luật hợp danh Phương Đông, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có trụ sở tại Đống Đa cho biết, những bệnh nhân bị Bệnh viện đa khoa Hoài Đức trả kết quả giả hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe và thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên người bệnh phải xác định được mình bị trả kết quả xét nghiệm máu giả và có chứng cứ, giấy tờ hợp pháp để chứng minh cho việc bị thiệt hại. Chẳng hạn, cần chứng minh được kết quả xét nghiệm của bệnh viện là giả do sao chép kết quả xét nghiệm của người khác.
 
Để chứng minh, người bệnh có thể dựa trên kết quả xét nghiệm tại một cơ sở xét nghiệm có uy tín của một bệnh viện khác, kết luận của bác sĩ sau khi xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức và chỉ định mua thuốc điều trị, hóa đơn mua thuốc để điều trị sau khi nhận kết quả sai; có căn cứ xác định thiệt hại về kinh tế và sức khỏe do đã bị điều trị sai như bệnh tình trầm trọng thêm, ngộ độc thuốc... 
 
Theo luật sư Quyền, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức; nên những bệnh nhân đã bị trả kết quả xét nghiệm giả cần tập hợp chứng cứ, gửi đơn yêu cầu bồi thường cho cơ quan điều tra để được xác định là người bị hại trong vụ án. Vấn đề trách nhiệm bồi thường dân sự sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự này.
 
"Hiện tại, nếu những bệnh nhân này khởi kiện tại tòa án thì cũng không được thụ lý giải quyết vì vụ việc đang do cơ quan điều tra giải quyết. Trường hợp, cơ quan điều tra không chấp thuận yêu cầu của các bệnh nhân này để xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình điều tra vụ án thì họ có quyền khiếu nại, khởi kiện với các quyết định của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật", luật sư Quyền phân tích.
 
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến cơ quan chức năng. Theo đó, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Trong khi bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm, thì bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân lại làm không hết việc. Vì quá đông bệnh nhân, bộ phận này chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả in sẵn trả cho nhiều người khác.
 
Giám đốc bệnh viện Hoài Đức và bác sĩ trưởng khoa xét nghiệm đã bị đình chỉ công tác. 
 
Theo Lê Phương - Bích Thục
VnExpess