Mục tiêu của trung tâm khám, chữa bệnh từ xa là xây dựng mạng lưới tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện khu vực miền núi phía Bắc, hỗ trợ chuyên môn, nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, chuyên sâu với các chuyên gia y tế, tiết kiệm thời gian, kinh phí, giảm tải về y tế cho tuyến trên.
|
|
Lãnh đạo Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cắt băng khai trương Trung tâm khám, chữa bệnh từ xa |
Trong tháng 9/2020, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức lễ khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), với sự tham gia của đầu cầu chính tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, kết nối trực tuyến với 47 điểm cầu ở các cơ sở y tế thuộc 13 tỉnh, thành, gồm Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai....
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, thực hiện Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 11/9, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), thuộc Dự án khám, chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025.
|
|
Tổ tư vấn Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tư vấn phẫu thuật từ xa cho các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. |
Đề án Khám chữa bệnh từ xa được xây dựng với quan điểm chủ đạo “Cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, kiến thức mới, kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện”. Đây là bước khởi đầu, là tiền đề cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp theo trong chuỗi hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhằm hướng đến mục tiêu: “ Xây dựng mạng lưới tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện khu vực miền núi phía Bắc, hỗ trợ chuyên môn, nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, chuyên sâu với các chuyên gia y tế, tiết kiệm thời gian, kinh phí, giảm tải về y tế cho tuyến trên”.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, điểm khác biệt của Trung tâm Khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là sự kết hợp của 2 nền tảng giải pháp Telehealth do Viettel chủ trì xây dựng và Telemedicine chuyên sâu do tập đoàn VMED xây dựng sẽ kết nối tới từng trang thiết bị y tế và từng giường bệnh cung cấp đầy đủ các thông tin cho chuẩn đoán và hướng dẫn điều trị cho các bác sĩ tuyến trên tương tự như thực hiện khám trực tiếp tại tuyến cơ sở.
Trong buổi khai trương các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện 2 ca tư vấn, hội chẩn cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng.
Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn các bác sĩ đã hội chẩn cho nữ bệnh nhân Phan Thị C., 46 tuổi, trú tại Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Bệnh nhân phát hiện U xơ tử cung từ năm 2015, đã điều trị nội khoa nhiều đợt không đỡ, khối u ngày càng to lên. Chẩn đoán: U xơ tử cung. Dự kiến phẫu thuật mở cắt tử cung bán phần để lại 2 phần phụ.
|
|
Bệnh viện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên |
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, các bác sĩ đã sử dụng hệ thống này để hội chẩn cho 2 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân Bùi Công Th., 68 tuổi, giới tính nam, trú tại TP. Cao Bằng, đã được chẩn đoán và điều trị K phế quản, đái tháo đường typ2, tăng huyết áp điều trị từ năm 2014 ổn định nay khám.
Mỗi ca bệnh đều được các bác sĩ điều trị trình bày tóm tắt bệnh án, diễn tiến bệnh, phim chụp CT, MRI, XQ, siêu âm, nội soi, quá trình đã điều trị... sau đó tại điểm cầu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên các chuyên gia cùng trao đổi thêm thông tin, thảo luận và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Được biết, khám chữa bệnh từ xa một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam. Khám chữa bệnh từ xa cũng góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.