Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Thái Lan vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh.
Như vậy, dịch MERS-CoV đã xuất hiện tại 3 nước gần Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Đây là các nước có giao lưu thương mại và du lịch rất lớn với Việt Nam, nên nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao.
Việt Nam đã có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch MERS-CoV. Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về phòng chống dịch MERS-CoV; Bộ Y tế đã họp ban chỉ đạo trung ương và chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt công điện này; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và tập huấn cho các cán bộ dự phòng, điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch; đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn không cho dịch xâm nhập ngay từ cửa khẩu, biên giới.
Các hành khách đi từ vùng có dịch về Việt Nam phải khai tờ khai y tế và được theo dõi nhiệt độ, được khuyến cáo theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày, nếu sốt phải đến ngay cơ sở y tế theo hướng dẫn và được cách ly, điều trị triệt để.
Bên cạnh đó, ngành y tế thực hiện nghiêm khắc, triệt để phòng chống nhiễm khuẩn và cách ly tại bệnh viện nếu có ca nghi ngờ cũng như có ca bệnh; tổ chức giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và toàn ngành y tế để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch.
Với những nỗ lực trong thời gian qua, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là đã triển khai quyết liệt những biện pháp nhằm ngăn chặn dịch MERS-CoV xâm nhập.
Bộ trưởng Y tế khuyến cáo người dân trong nước tốt nhất giai đoạn này không nên đi đến các vùng có dịch trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu có người nhà, người thân nằm trong bệnh viện nghi nhiễm bệnh thì hạn chế tối đa việc vào thăm để tránh lây nhiễm.
Phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bác sỹ gia đình là dịch vụ cung cấp về chăm sóc sức khỏe cả về dự phòng và điều trị gần dân nhất, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh đỡ tốn kém, mất ít thời gian và thân thiện nhất.
Mô hình bác sỹ gia đình đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 8 tỉnh và đã ban hành Thông tư thí điểm thực hiện bác sỹ gia đình. Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức sơ kết để có thể triển khai nhân rộng những mô hình hiện nay và mô hình hội nhập với quốc tế.
Mô hình sẽ được triển khai đối với những phòng khám của các bệnh viện huyện, thậm chí tại các bệnh viện tỉnh và trạm y tế xã, phường cũng như tại các phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, phòng khám tư nhân khác tạo nên mạng lưới gần dân.
Các cơ sở này thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm chủng, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống các bệnh nhiễm trùng gây dịch, cũng như các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tiểu đường) và tuyên truyền cho người dân có lối sống lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, bác sỹ gia đình sẽ khám và chữa bệnh cho người dân gắn với bảo hiểm y tế đối với những bệnh thông thường; sau này có thể được trang bị hệ thống để thu nhận bệnh phẩm, chẩn đoán và có phòng xét nghiệm cho các bệnh nhân đến khám mà không cần phải đi xa; đồng thời có thể chuyển tới các bệnh viện tuyến trên.
Đặc biệt, điều quan trọng là mô hình này sẽ ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để nối các thông tin của bệnh nhân tại phòng khám bác sỹ gia đình với bảo hiểm y tế và với các bệnh viện tuyến trên.
Đó là kế hoạch trong tương lai và Bộ Y tế cũng sẽ gắn những dự án ODA để tăng cường y tế cơ sở với mạng lưới của bác sỹ gia đình và hệ thống cấp cứu ban đầu đối với người dân sống ở vùng sâu, vùng xa cũng như ở vùng thành thị.
Với những băn khoăn của người dân về chất lượng hệ thống bác sỹ gia đình, Bộ trưởng khẳng định bác sỹ gia đình trước tiên phải là những bác sỹ đa khoa được đào tạo khá toàn diện, hiểu biết tất cả các lĩnh vực để tiếp cận, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như điều trị các bệnh thông thường; những trường hợp nặng thì mới chuyển lên tuyến trên.
Mạng lưới bác sỹ gia đình rất phát triển ở các nước phát triển cũng như một số nước khác; mô hình này giúp người dân tiếp cận với bác sỹ gia đình, không cần phải đến tuyến trên, giúp tiết kiệm thời gian cũng như giảm quá tải cho tuyến trên.
Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế
Về thái bộ ứng xử, phục vụ của cán bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ hầu hết cán bộ đã đi theo ngành y dược đều rất đam mê, say mê với nghề nghiệp và tận tâm, tận tụy, không ngại khó ngại khổ đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân, cũng như bệnh nhân.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế từ điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến các bác sỹ vẫn có thái độ thờ ơ đối với nỗi đau của bệnh nhân, có tư tưởng ban ơn, cơ chế xin-cho, thậm chí có thể có biểu hiện tiêu cực đối với người bệnh. Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ.
Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện một đề án, chương trình hành động đổi mới toàn diện phong cách và thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu nhất là phải đổi mới chính từ bên trong người cán bộ y tế và phải coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục duy trì đường dây nóng và thực hiện Thông tư về quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp; kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế không đủ phẩm chất; duy trì tiếp tục hòm thư góp ý, hòm thư nóng; thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng để giải đáp những thắc mắc của người bệnh; có đội tình nguyện của sinh viên, bác sỹ trẻ để giúp người bệnh trong quá trình khám bệnh được nhanh, gọn.
Đặc biệt, các cán bộ y tế phải ký cam kết để đổi mới toàn diện thái độ như niềm nở khi bệnh nhân đến, tận tụy khi bệnh nhân ở và chu đáo khi bệnh nhân về. Cần phải tổ chức ký cam kết giữa tất cả các điều dưỡng, bác sỹ trong khoa đối với trưởng khoa; trưởng khoa ký cam kết với giám đốc bệnh viện và giám đốc các bệnh viện phải ký với giám đốc sở y tế hoặc với Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sau đó, Bộ sẽ có chương trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chí, đồng thời có chương trình thi đua, khen thưởng và kỷ luật.
Bộ trưởng nhấn mạnh đây là kế hoạch mới ban hành và có thể có những khó khăn trong giai đoạn triển khai. Vì vậy, ngành y tế luôn muốn lắng nghe ý kiến của người dân cũng như các phương tiện thông tin báo chí để hoàn thiện những giải pháp tốt hơn.
Giải pháp lâu dài là tạo cho cán bộ y tế có nguồn thu nhập đủ sống, đủ tái tạo sức lao động để họ yên tâm phục vụ tốt hơn, dựa vào lộ trình đổi mới cơ chế tài chính cho phù hợp. Để đổi mới thái độ phục vụ của cán bộ y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, bệnh nhân và dư luận xã hội./.
Theo Vietnam+