Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trong người lại chỉ còn 3 ngàn đồng nên một người mẹ trẻ người dân tộc Khơ Me đã đẻ rớt đứa con của mình ngay tại một công trình xây dựng.
 

 

3 năm 3 đứa con và lần thứ hai đẻ rớt
 
Nằm trong căn phòng nóng nực, chật chội, chị Thuy thều thào cho biết: “Cho đến nay, vợ chồng tôi đã có 3 đứa con. Cũng may là trời thương, nên lần nào tôi sinh cũng rất dễ. Vì đẻ dễ nên đây là lần thứ 2 tôi đẻ rớt con mà không đến bệnh viện. Hơn nữa, vì hoàn cảnh gia đình giờ đây còn có quá nhiều khó khăn, thiếu thốn nên tôi sợ không có tiền chi trả nếu sinh ở bệnh viện”.
 
Câu chuyện càng trở nên ảm đạm khi PV lắng nghe những lời tâm sự của anh Dũng về hoàn cảnh gia đình. Anh Dũng cho biết: “Cách đây 5 năm, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tôi lên TP.HCM lập nghiệp bằng nghề phụ hồ. Tại mảnh đất phồn hoa đô thị này, tôi gặp Thuy cũng có hoàn cảnh chẳng khá giả gì. Tuy nhiên, vì tình yêu và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau nên chúng tôi đã quyết định làm đám cưới mà không được sự đồng ý của cha vợ. Cưới nhau về được một thời gian ngắn thì cha của cô ấy lên bắt con về. Mặc dù, tôi đã nhiều lần năn nỉ nhưng ông cụ vẫn một mực không chấp nhận”.
 
Anh Dũng tiếp lời: “Sau hai năm xa cách, Thuy đã bỏ nhà đi tìm tôi. Kể từ đó, chúng tôi dọn về ở chung và đến bây giờ đã có với nhau 3 mặt con. Dù biết hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ thì người còn người mất nên vợ chồng tôi quyết định không kế hoạch, mà dự định sau khi sinh xong cháu thứ 3 mới kế hoạch, để tập trung lo cho cuộc sống của các con. Bảy tháng nay, khi vợ có bầu con thứ 3 được vài tháng thì tôi đưa cô ấy và hai con nhỏ lên Sài Gòn lập nghiệp. Hàng ngày, cô ấy một mình ở nhà nuôi dạy, lo lắng cho cuộc sống của các con nên chỉ có một mình tôi đi làm kiếm tiền. Mọi chi tiêu cho cả gia đình chỉ biết nhìn vào hơn 100 ngàn đồng tiền lương của tôi mỗi ngày. Cũng may, bà chủ công trình thương nên cho gia đình tôi ở lại chăm công trình nên không mất tiền thuê nhà, điện nước”.
 
Vì hai vợ chồng không biết nửa chữ cắn làm đôi nên anh Dũng rất mong sau này các con của mình lớn lên có cơ hội để ăn học đàng hoàng, có cuộc sống sung túc hơn. Anh Dũng tâm sự: “Hiện giờ vợ chồng tôi vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn nên cũng chưa biết làm giấy khai sinh cho các cháu đi học bằng cách nào. Cuộc sống thiếu hụt, nhưng bản thân tôi không bao giờ trách mắng vợ vì tôi hiểu được sự vất vả của một người mẹ. Điều tôi lo lắng nhất là cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết phải làm gì cho cuộc sống của gia đình tốt hơn, nếu chỉ nhờ vào mấy đồng lương ba cọc ba đồng từ nghề thợ hồ. Trong khi, một mình tôi vừa nuôi vợ đẻ vừa đi làm và lo cho hai cháu nhỏ trong thời gian đầu mẹ mới sinh”.
 
Vì đâu nên nỗi?
 
Trao đổi với PV, ông Ngô Hữu Hưởng, Phó ban điều hành khu phố 3 (phường Bình Khánh, quận 2) chia sẻ: “Nhận được thông tin của người dân về hoàn cảnh của gia đình chị Thuy, ban lãnh đạo khu phố đã tiến hành vận động bà con quyên góp tiền để hỗ trợ phần nào cho gia đình chị ấy. Cho đến hôm nay, về cơ bản mẹ con cháu bé đã ổn định sức khỏe sau khi tự vượt cạn. Tuy nhiên, điều đáng trách là mặc dù hai vợ chồng chị Thuy còn quá trẻ nhưng do thiếu hiểu biết về sinh sản, nên việc sinh đẻ mỗi năm một đứa là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của gia đình họ ngày càng khó khăn hơn”.
 
Theo Người Đưa Tin