Theo nhiều người dân chứng kiến, cụ bà 70 tuổi đi xe máy theo hướng Xã Đàn ra Ô Chợ Dừa, bỗng nhiên có biểu hiện chóng mặt, vội dừng lại bên đường rồi gục xuống. Người dân xung quanh đã nhanh chóng sơ cứu, cấp cứu trong lúc chờ 115 nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.

 


Trước đó, trưa 4/6 tại BV Đa khoa Tuyên Quang các bác sĩ cũng tiếp nhận bệnh nhân trụy mạch, hôn mê, sốt 41 độ không mồ hôi, suy đa tạng nghi say nắng được các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực.

Theo một bác sĩ tại BV Bạch Mai, việc người già đột tử có thể liên quan đến nhiều yếu tố, gồm cả lên huyết áp, cũng không loại trừ nguyên nhân nắng nóng.

Về hiện tượng sốc nhiệt, say nắng, TS.S Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính, hoặc những người uống quá nhiều bia rượu, đặc biệt là người già trên 65 tuổi dễ bị tổn thương do nhiệt bởi vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác.

Nhất là trong khu vực đô thị nguy cơ sốc nhiệt càng tăng lên trong đợt nóng kéo dài, khi khí quyển trì trệ (không có gió) và chất lượng không khí kém.

Nếu nghi ngờ bị sốc nhiệt, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 rồi đưa bệnh nhân vào chỗ râm mát, cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.

Bạn có thể thực hiện các phương pháp làm mát sau: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Áp túi nước mát vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể. Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát… Khi bạn đã hồi phục sau sốc nhiệt, bạn có thể nhậy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần tiếp theo.

Vì vậy, tốt nhất là tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ nói với bạn rằng bạn đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.
 

Theo Tú Anh/Dân trí

.