Theo thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tình hình bệnh sởi tại 20 tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam tính từ đầu năm 2024 đến nay cón chiều hướng tăng bất thường, bệnh sởi đã được phát hiện tại các tỉnh, thành như: Kiên Giang (Phú Quốc), Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.,..
Tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 23/5/2024 đến ngày 18/8/2024, toàn thành phố phát hiện 170 trường hợp bệnh sởi tại 15 quận, huyện và TP Thủ Đức, trong đó, có 57 phường, xã có ca bệnh sởi và 10 quận huyện có 2 phường, xã trở lên có ca bệnh (gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Quận 12, Quận 6, Quận 8, Tân Phú, Tân Bình, Hóc Môn và TP Thủ Đức). Từ năm 2021 đến năm 2023, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh Sởi. Như vậy, căn cứ Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BYT ngày 20/11/2023 của Bộ Y tế, trên địa bàn Thành phố đã có 10 quận, huyên có dịch sởi và toàn Thành phố được tính là có dịch sởi.
Theo quyết định công bố dịch sởi, nguyên nhân gây bệnh do virus sởi. Tính chất, mức độ nguy hiểm là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B; người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch; giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các địa phương bảo đảm, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong vòng 24 giờ sau khi được chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo đúng quy định.
TP HCM sẽ thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin bổ sung sởi - rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc-xin này trước đó cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi đang sống tại thành phố; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.
Đồng thời, tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.