Con người không thể sống thiếu vi khuẩn
Cập nhật lúc 09:38, Thứ tư, 29/06/2011 (GMT+7)
Đó là khẳng định của Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Nga Antoni Verobiov, Trưởng Bộ môn Vi sinh vật, Vi khuẩn học và Miễn dịch học thuộc Học viện Y học Sechenov. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đó là khẳng định của Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Nga Antoni Verobiov, Trưởng Bộ môn Vi sinh vật, Vi khuẩn học và Miễn dịch học thuộc Học viện Y học Sechenov.
Không những coi tất cả các vi khuẩn là bạn, Antoni Verobiov còn tìm ra phương pháp để con người có thể “chung sống hòa bình cùng phát triển” với vi khuẩn. Ông coi đây là một bí quyết để khỏe mạnh và trường thọ. Tạp chí Y học Nga Izyestia đã có cuộc phỏng vấn rất thú vị với ông xung quanh vấn đề này.
- Ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu vi sinh vật trong đó có các vi khuẩn nguy hiểm chuyên gây bệnh cho con người. Ông có coi chúng là “kẻ thù số một”?
- Đúng hơn thì tôi coi chúng là bạn! Bởi lẽ thế giới vi khuẩn mà chúng ta không nhìn thấy, xét về khối lượng, còn lớn hơn cả thế giới vĩ mô mà chúng ta quan sát thấy bằng mắt thường. Bên trong cơ thể của mỗi chúng ta, từ đứa trẻ sơ sinh đang bú mẹ đến cụ già trăm tuổi vừa mới tạ thế luôn luôn chứa đến khoảng… 2kg vi khuẩn với hàng tỷ tỷ con đang sinh sống. Tính ra, mỗi tế bào cơ thể có tới từ 10 - 100 vi khuẩn. Cần phải khẳng định lại một chân lý là: nếu không có vi khuẩn thì sẽ không có sự sống trên hành tinh, thậm chí không có cả cái chết. Vi khuẩn đã xuất hiện trên trái đất trước chúng ta rất lâu và chúng cũng sẽ ra đi sau tất cả chúng ta nếu như một khi nào đó sự sống con người không còn tồn tại. Vi khuẩn quyết định thành phần của không khí, độ màu mỡ của đất, là nguồn gốc của các tài nguyên thiên nhiên và là nền tảng của chu trình hình thành thực phẩm. Vi khuẩn còn là những “nhân viên dọn vệ sinh” cần cù và vĩ đại nhất. Không có chúng, loài người sẽ chết vì nhiễm bẩn.
- Ông kể về vi khuẩn với sự thiện cảm đặc biệt, dường như trên thế gian này không có các vi khuẩn gây nguy hiểm chết người?
|
|
- Tất nhiên là có, nhưng so với những vi khuẩn có ích thì vi khuẩn nguy hiểm chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Theo thống kê, trong 1 triệu loài vi khuẩn, chỉ có 3.500 loài có khả năng gây bệnh và chúng ta phải chống lại chúng. Trong trường hợp chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, cuộc sống có nhiều căng thẳng, môi trường sống bị ô nhiễm lại thêm lạm dụng các thuốc kháng sinh, chất kích thích sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở và hạn chế sức phát triển của vi khuẩn có ích. Khi đó cơ thể rơi vào trạng thái mất cân bằng vi khuẩn. Đây là nguyên nhân của nhiều căn bệnh như thiếu máu, suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa… Thế nhưng, khi một số bà mẹ quá kỹ tính bắt buộc con trẻ phải sống trong điều kiện sạch sẽ tuyệt đối và vô trùng thì thực ra các bà mẹ đó cũng đang vô tình phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng sinh thái của hệ vi khuẩn trong cơ thể con em mình. Điều này cũng sẽ dẫn đến bệnh tật.
- Nghe nói ông đã nghiên cứu ra phương pháp để có thể sống chung với vi khuẩn một cách hiệu quả!?
- Đúng vậy. Lâu nay chúng ta chú ý nhiều đến mặt gây hại mà ít để ý đến mặt hữu ích của những người bạn đời chung thủy tuyệt đối này. Tôi cho rằng, trong môi trường sống vô vàn vi khuẩn, con người không có cách nào khác ngoài việc phải tìm cách để chung sống hòa bình với chúng và nếu biết cách phát huy những mặt hữu ích của vi khuẩn, chúng ta sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh. Để “cuộc sống chung” được hòa thuận và “đôi bên cùng có lợi”, chúng tôi đã nghĩ ra một phương pháp hữu hiệu, đó là thường xuyên cung cấp một loại thức ăn đặc biệt để nuôi dưỡng hệ vi khuẩn, loại thức ăn đó là đường Oligo. Khác với đường thông thường, vào trong cơ thể là được tiêu hóa hấp thu qua dạ dày và hấp thu ở ruột non, đường Oligo không để cho con người tiêu hóa hấp thu mà được giữ nguyên dạng cho đến khi xuống tới đại tràng và trực tràng để làm thức ăn ngon miệng cho các vi khuẩn.
Chế độ ăn uống là cách thuận tiện nhất để chúng ta bổ sung đường Oligo. Mỗi lần dùng bữa, nên nhớ rằng ta không chỉ ăn cho mình mà còn ăn cho cả cộng đồng vi khuẩn đang ở trong ruột và đã chung sống với ta từ khi lọt lòng. Loại thực phẩm chứa nhiều Oligo nhất là hành, hạt đậu trắng (1-3,5%) và đậu tương (10%). Một người mắc bệnh mất cân bằng vi khuẩn đường ruột nên ăn 100g hành/ngày và tăng cường liều lượng thức ăn chế biến từ đậu. Có thể người đó sẽ gặp một hiện tượng gây ra phản ứng khó chịu với cơ thể và cộng đồng là sự tạo thành và thoát khí từ đường ruột - sản phẩm của quá trình các vi khuẩn tiêu hoá đường Oligo. Nhưng theo quan niệm y học hiện đại, sự tạo khí ở ruột và thoát ra ngoài là hiện tượng bình thường, thậm chí còn là “điềm lành” của bất kỳ cơ thể khỏe mạnh nào. Vì thế nếu thấy mình sôi bụng, đừng vội vàng cho đó là do giun quấy hay một căn bệnh nào đó ở đường ruột. Có thể đó là dấu hiệu của sự phục hưng các vi khuẩn.
Chúng tôi và các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh được rằng đường Oligo chỉ “hợp khẩu vị” đối với các vi khuẩn có ích. Giữ được sự ”chung sống hòa bình cùng phát triển” với vi khuẩn, theo tôi - đó là một trong những bí quyết của sức khoẻ và trường thọ.
Theo báo Izevestia