Kết quả điều tra Quốc gia mới nhất về gia đình cho thấy, ở Việt Nam có 21,2% cặp vợ chồng đã trải qua một trong những hình thức bạo lực gia đình. Và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi lấy chồng, người phụ nữ nào cũng mơ về một hạnh phúc.

 


Tương tự như vậy, đêm 14/5/2012, bà Trần Thị Thu Hằng (47 tuổi) ở  Thượng Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) do bị chồng là ông Lưu Nguyễn Tân (49 tuổi) hành hạ dã man đã nhảy lầu tự tử. Được đi cấp cứu kịp thời, bà Hằng đã qua được cơn nguy kịch nhưng trên mình vẫn đầy thương tích.

 

Theo như Bà Hằng kể, đêm 14/5, ông Tân đã cầm chai rượu vodka đánh liên tiếp vào đầu và bả vai, rồi xé quần áo khiến bà quá sợ hãi phải chạy ra lan can tầng hai và nhảy xuống đất. Người thân bà Hằng cho biết, trước đó ông Tân đã nhiều lần bạo hành vợ bằng những hành động hết sức dã man. Có một lần do ghen tuông, ông lôi bà Hằng lên tầng hai dùng xích sắt trói, treo tay lên trần nhà.

 

Ông Tân còn dùng cả búa để tra tấn mặc cho vợ khóc lóc, van xin suốt từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Thậm chí, để "trốn" chồng, bà Hằng từng phải sang Nga ở với cô con gái lớn đang định cư tại đây. Tuy nhiên, sang được vài tháng bà Hằng lại trở về và thường xuyên lãnh đòn từ người chồng vũ phu.

 

Và cái kết cục như ngày hôm nay đã khiến bà thật sự chua xót, tuy tự tử không thành nhưng những vết tích trên mình ngày hôm nay còn đeo đuổi bà mãi và không biết sau sự cố ngày hôm đó bà còn phải chịu bao đòn roi của chồng thêm nữa…

Một vụ việc khác là vào năm 2009, chị Nguyễn Thị Lưu (Đạo Thượng, Tân Hưng, Sóc Sơn) do bị chồng hành hạ, đánh đập chửi bới nhiều lần, quá uất ức chị đã ăn bả chó tự tử. Theo những người thân của chị Lưu cho biết, trong những ngày tháng chị Lưu lấy chồng chưa một ngày chị được hưởng hạnh phúc, suốt ngày với những trận đòn roi, với những lời xỉ vả, chửi mắng.

 

Doanh chồng chị Lưu trong những ngày tháng sống chung với vợ đã không ngớt hành hạ chị. Có lần anh ta còn lấy lý do là chị Lưu chăm lúa quá tốt để lúa bị đổ, nên đã ôm rơm chất đống ở ruộng lúa, rồi đổ xăng vào, bật lửa đốt và dùng dây cao su đánh chị Lưu ngay tại bờ ruộng. Lần cuối cùng - khoảng 20h, ngày 31/5/2009, do chị Lưu đi cắt lúa hộ cho chị Oanh (chị gái Doanh) nhưng lại nói là đi cắt cỏ cho bò.

 

Cho rằng vợ nói dối nên Doanh đã tát vào mặt và dùng dây curoa vụt liên tiếp vào vai, cánh tay chị Lưu. Sau khi sự việc xảy ra, Doanh chở chị Lưu lên nhà bố mẹ vợ để mách việc trên... Quá uất ức, Doanh trong đêm chị Lưu đã lấy viên bả chó để trong tủ uống để tự sát. Gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu thì chị Lưu đã chết.

XÓT XA NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ MANG TỘI GIẾT CHỒNG

 Đó là một vài trong rất nhiều vụ án người phụ nữ do bị chồng hành hạ dã man đã phải tìm đến cái chết để giải thoát. Nhưng một số khác thì không cam chịu hoặc có khi do cam chịu quá nhiều thì vùng lên tìm lối thoát cũng bằng những cái chết nhưng không phải của mình mà chính là của kẻ đã gây ra bao đau khổ cho mình. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, sự phản kháng của các chị dữ dội và thật mãnh liệt.

 

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Mỹ Năng (48 tuổi, TP.HCM). Năm 2006, do nghi ngờ Năng có tình cảm với người đàn ông khác nên cuộc sống vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Ông Tôi thường xuyên uống rượu say và tìm cách gây gổ đánh đập vợ. Tối ngày 23/12/2010, sau khi uống rượu, ông Nguyễn Văn Tôi lại chửi mắng vợ.

 

Thấy chồng đã say, Năng bỏ ra sau nhà ngồi nói chuyện với chị N., là người thuê phòng trọ của nhà Năng. Lúc này, nghe chị N. nói có người thân đang nằm viện nhưng không biết đường đến thăm, Năng liền nhận lời chở người này đi. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Năng vào nhà dắt xe máy để chở chị N. đến bệnh viện thì ông Tôi không đồng ý nên lấy dao đâm thủng lốp của hai chiếc xe máy, sau đó vác xà beng chặn trước cửa dọa đánh vợ.

 

Ấm ức vì liên tiếp bị chồng bạo hành, Năng gọi các con về để nói chuyện ly hôn. Tức giận, ông Tôi dùng ghế đánh vào đầu Năng. Lúc này, Năng chụp con dao, đâm nhiều nhát làm Tôi chết ngay sau đó. Cái chết của Hà - tên chồng vũ phu của chị Vàng Thị Nhập (41 tuổi) ở Hà Giang, cũng là cái kết của việc vùng dậy đấu tranh của người phụ nữ khi bị chồng hành hạ. Nhập lấy chồng từ khi mới 18 tuổi, vừa về nhà chồng chị đã phát hiện tên chồng là một kẻ vũ phu, nát rượu, một kẻ chỉ biết đàn đúm, ham chơi, không lo tu chí làm ăn.

 

Trong suốt nhiều năm chung sống với chồng, chị chưa có một ngày được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Chị tâm sự: "Tôi không biết bao nhiêu lần phải lên trạm xá đi cấp cứu, gã chồng cứ về nhà là bóp cổ, đấm, đá, túm tóc tôi kéo xềnh xệch". Ngày nào Hà cũng say khướt, về nhà là đánh đập vợ con, không những thế hắn còn gây sự với bố mẹ vợ, có lần còn chém anh vợ bị trọng thương.

 

Nhiều lần công an xã, chính quyền địa phương xuống nói chuyện thì hắn lại bỏ trốn biệt, mấy ngày sau mới về. Về nhà, hắn lại hành hạ vợ con không thương tiếc. Suốt hơn 20 năm chung sống, Nhập chưa từng một ngày được hưởng hạnh phúc và chị quyết định giải thoát cho mình bằng cách giết hại chồng. Trong một lần bị chồng đánh đập, chị cố gắng cam chịu, đợi đến khi tên chồng khốn nạn đi ngủ chị đã dùng dây thừng xiết cổ chồng cho đến chết…

NHỨC NHỐI KHÔNG DỪNG LẠI

Theo kết quả điều tra ở 8 tỉnh của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2008, có 23% số gia đình được hỏi có hành vi bạo hành về thể chất; 30% số gia đình có hành vi bạo lực về tình dục; 25% số gia đình được hỏi có hành vi bạo lực về tinh thần trong đó phụ nữ là nạn nhân chiếm 97%. Bạo lực gia đình đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỗi gia đình. Bạo lực gia đình đã làm nhiều gia đình tan nát, ly dị, ly thân…

Bạo lực gia đình ở Việt Nam cũng làm gia tăng số trẻ em vi phạm pháp luật. Số liệu thống kê của Viện KSND tối cao năm 2008 cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.

 

Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số liệu điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, bạo lực gia đình đã làm cho gia đình tan nát chiếm 49,7%. Thống kê của TAND tối cao cũng cho chúng ta thấy hậu quả nghiêm trọng của bạo lực gia đình: năm 1998 có 55.419 vụ ly hôn, trong đó 28.686 vụ bạo lực, chiếm 52%, năm 1999 có 52.774 vụ ly hôn, trong đó 29.751 vụ bạo lực, chiếm 56%; năm 2000 có 51.361 vụ ly hôn, trong đó 32.164 vụ bạo lực, chiếm 62%; trung bình trong 5 năm từ 2000 đến 2005 cả nước có 352.000 vụ ly hôn thì có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình (chiếm 11,3%).

Thực tế cho thấy, ở nước ta tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra rất nhiều nhưng để có giải pháp cần thiết và đúng đắn thì thực sự còn nhiều vấn đề nan giải. Rất nhiều người phụ nữ khi bị chồng bạo hành cam chịu, cố gắng chịu đựng, không dám tố cáo với gia đình, cơ quan chức năng bởi nghĩ mình cố gắng vì con, sợ mang tai tiếng với hàng xóm láng giềng, với họ hàng, bạn bè.

 

Có nhiều người bị chồng bạo hành đến phải đi nhập viện nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc lại ra sức xin cho chồng để rồi sau đó vẫn phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nhưng có những người lại chọn việc ly hôn để giải thoát cho mình khỏi người chồng vũ phu. Cũng có người sử dụng biện pháp tiêu cực là vùng lên chống lại, giết chồng để tránh sự tra tấn…

Bạo hành trong gia đình xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể từ tính gia trưởng của người chồng, sự nhu nhược của người vợ người mẹ, thói bạo lực... Bạo hành là cơn sóng ngầm có sức tàn phá rất lớn hạnh phúc của mỗi gia đình, nó để lại rất nhiều hậu quả mà hậu quả dễ thấy nhất là hạnh phúc gia đình đổ vỡ, rơi vào con đường phạm tội lúc nào không hay, đến khi tỉnh lại thì đã quá muộn.

 

 

Yến Dương

.