Biết về nguồn gốc của mình – đó là ước mơ chính đáng, là quyền của mỗi con người. Nhưng, với những đứa trẻ được hoài thai từ phương pháp khoa học thì đây là cả một chặng đường dài, mà đôi khi pháp luật chính là rào cản khiến cho việc chạm tay đến ước mơ đó trở nên xa vời…
Anh chị không định nói với con về nguồn gốc ra đời của nó, nhưng trong một lần lục giấy tờ của cha mẹ, nó đã biết và hỏi. Cái khó là với anh chị, tên tuổi người hiến tặng trứng, cũng là một bí mật.
Bí mật này chính là sự tuân thủ quy định của Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Theo đó, cả người cho lẫn người nhận đều không được tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận, người cho và cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân sinh con nhờ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chính là cha mẹ của đứa trẻ sinh ra.
Quy định này đã được tiếp tục kế thừa trong Luật Hôn nhân-Gia đình đang sửa đổi, bổ sung với các điều luật “việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, noãn, phôi với người con được sinh ra” và “con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm được sinh ra”. Đồng nghĩa với quy định này, cha mẹ sinh học của đứa trẻ cũng là điều bí mật được pháp luật quy định.
Có nên bí mật?
Đó là câu hỏi mà các chuyên gia pháp luật Đức đã đặt ra với Ban soạn thảo Luật HN-GĐ sửa đổi bổ sung của Việt Nam trong hội thảo “Bình luận về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000” do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (Quỹ IRZ) tổ chức mới đây. Bà Corina Schramm-chuyên gia Bộ Tư pháp Đức cho biết mọi đứa trẻ ở Đức đều có quyền được biết ai là cha mẹ sinh học của mình, đây là quyền hiến định và để đảm bảo việc này, bệnh viện nơi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ trong 40 năm.
Để minh chứng bà Corina Schramm đã dẫn câu chuyện về một người phụ nữ sống ở miền Nam nước Đức quen một người đàn ông qua mạng và có bầu với anh ta. Tuy nhiên, cô này chỉ biết nickname trên mạng của người bố đứa trẻ, chứ không biết tên thật.
Để xác định cha cho con, người phụ nữ đã yêu cầu công ty quản lý mạng cung cấp tên thật của người đàn ông đó, nhưng không được chấp nhận vì quy định bảo mật thông tin người dùng. Người phụ nữ đã kiện ra tòa và tòa quyết định quyền biết thông tin về người cha của đứa trẻ quan trọng hơn quyền bảo mật thông tin nên công ty quản lý mạng phải cung cấp. “Theo Hiến pháp Đức sự hiểu biết của đứa trẻ về nguồn gốc của mình cũng là một loại nhân quyền”, bà Corina Schramm cho biết.
Lý giải cho việc giữ bí mật ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cừ giải thích vì luật pháp Việt Nam không công nhận người hiến tinh trùng, noãn, phôi, mang thai hộ là cha mẹ đứa trẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, ĐH Luật Hà Nội thì việc bí mật nhằm giảm thiểu tối đa sự tranh chấp quyền làm cha mẹ có thể xảy ra giữa cha mẹ sinh học (là người cho tinh trùng, noãn, phôi, người mang thai hộ) và cha mẹ pháp lý (là người nhận tinh trùng, noãn, phôi, người nhờ mang thai hộ), nguyên nhân tạo ra sự giằng co về tâm lý cho đứa trẻ.
Là một trong những thành viên của Ban soạn thảo dự luật, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng trong khuôn khổ của mình Luật HN-GĐ chỉ quy định quyền xác định cha, mẹ, con còn việc giữ bí mật về cha mẹ sinh học đó là quyết định của ngành y tế, tương tự như việc lưu giữ hồ sơ để tránh việc anh em lấy nhau (trong trường hợp giữa đứa trẻ sinh ra nhờ trứng, tinh trùng hiến và con đẻ của người đã hiến trứng, tinh trùng ấy) cũng là trách nhiệm của ngành y.
Theo TS Nguyễn Văn Cừ, trong các vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình có không ít trường hợp người mẹ có con ngoài giá thú khởi kiện nhận cha cho con với nhiều người đàn ông một lúc.
Năm 1979, khi khoa học về ADN chưa phát triển thì TANDTC đã có Thông tư 15 quy định Tòa sẽ không giải quyết trường hợp này vì… khó. Nhưng từ Luật HN-GĐ năm 1986, luật yêu cầu tòa án phải thụ lý những vụ việc như vậy.
Theo Pháp luật Việt Nam