Giai đoạn 2012 - 2015, TP Cần Thơ thụ hưởng Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu thông qua nghiên cứu và can thiệp có sự tham gia về bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH)” (gọi tắt là DA). Theo đó, dự án hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực của các cấp, các ngành, kêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh và những tác hại của BĐKH.
Bên cạnh phường Trà Nóc còn có các phường Long Tuyền (quận Bình Thủy), phường Cái Khế và An Hòa (quận Ninh Kiều) đều là điểm nóng về SXH những năm trước đây. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Việt, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, đến nay tình hình SXH tại các phường đều ổn định, nhờ thụ hưởng DA. Nhận thức được tác hại của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng, ngành y tế thành phố kết hợp với Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Văn phòng BĐKH thành phố, Viện chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) xây dựng và đề xuất DA trong khuôn khổ chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH giai đoạn 3 giữa UBND TP Cần Thơ và ISET, ký kết tháng 12-2010. DA được nhà tài trợ Rockefeller phê duyệt và đi vào hoạt động từ tháng 4-2012, với số tiền tài trợ gần 7 tỉ đồng, là cơ hội lớn cho ngành y tế dự phòng Cần Thơ nâng cao năng lực cán bộ, khả năng chống chịu và phòng, chống dịch bệnh trong hoàn cảnh BĐKH, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
DA chia làm 2 phần: Nghiên cứu và can thiệp. Nghiên cứu do Trường Đại học Y dược Cần Thơ và Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ thực hiện; phần can thiệp do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thực hiện, chủ yếu 4 lĩnh vực: nâng cao năng lực đội ngũ; can thiệp trong cộng đồng; can thiệp trong trường học; nâng cao hệ thống giám sát. Khoảng 20.000 người tại 4 phường thí điểm hưởng lợi ích trực tiếp DA. Đây là những địa phương mặc dù phát triển mạnh nhưng tập trung phần lớn người nghèo và di cư, dễ bị tổn thương nhất do sống trong điều kiện nghèo khó, có nguồn tài chính hạn hẹp để tiếp cận các dịch vụ sức khỏe và hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực về giáo dục SXH. Ngoài đối tượng hưởng lợi trực tiếp, nhân viên hệ thống y tế dự phòng còn được hưởng lợi từ việc nâng cao kiến thức về phòng, chống dịch SXH, các yếu tố nhiễm bệnh và biện pháp dự phòng mới liên quan thời tiết. Ông Tăng Giang Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, cho biết: "Trước khi triển khai DA, tình hình SXH ở phường phức tạp, có vài chục ca mắc bệnh, nay chỉ vài ca mắc bệnh/năm. Trà Nóc gắn CLB phòng, chống SXH với CLB đờn ca tài tử của phường, thiết kế các chương trình hấp dẫn, thu hút đông đảo CTV tham gia, duy trì lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ và cập nhật, tuyên truyền kiến thức về SXH và ngày càng nâng cao năng lực, hiểu biết".
Thuộc 4 phường thí điểm DA, An Hòa từng dẫn đầu quận, thành phố về số ca mắc SXH trên địa bàn. Sau thời gian thực hiện DA, tình hình thay đổi theo chiều hướng tích cực. Phó Trưởng trạm y tế phường An Hòa, Phó Chủ nhiệm CLB Phòng, chống SXH Trần Minh Sang, cho biết: "Số ca mắc SXH năm 2015 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh can thiệp cộng đồng, CLB cũng chú trọng can thiệp môi trường học đường, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho Ban giám hiệu nhà trường đến giáo viên chủ nhiệm các lớp để lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, giờ lên lớp, giúp các em hiểu biết về cách phòng, tránh SXH. DA sắp kết thúc, Trạm y tế tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường duy trì mô hình CLB".
Kết quả đẩy lùi và ngăn chặn dịch SXH ở các địa phương thể hiện hiệu quả thiết thực của DA, góp phần vào thành tích chung của thành phố trong phòng, chống dịch chủ động, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nâng cao năng lực cộng đồng
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, năm 2008, thành phố có gần 1.250 ca mắc SXH, năm 2009 gần 1.400 ca. Mặc dù ngành y tế nỗ lực đầu tư trong phòng, chống nhưng năm 2010, vẫn gần 1.000 ca mắc SXH và 4 trường hợp tử vong. SXH ở thành phố chủ yếu xảy ra đối với trẻ em dưới 16 tuổi, phân bố hầu hết trên địa bàn xã, phường, nhất là các khu dân cư nghèo, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, môi trường ô nhiễm. Trước đây, SXH tập trung xuất hiện vào mùa mưa, thời gian gần đây dịch có khuynh hướng diễn ra hai mùa mưa nắng, gia tăng về mức độ nguy hiểm và số lượng. SXH gia tăng gánh nặng gia đình và xã hội, làm người nghèo càng thêm nghèo, cản trở sự phát triển chung của thành phố.
Do vậy, các hoạt động của DA giúp giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch SXH tại Cần Thơ khi xảy ra BĐKH gồm: nâng cao kiến thức về mối liên hệ giữa khí hậu và bệnh SXH; cải thiện khả năng phát hiện sớm và kết nối với các cảnh báo về khả năng bùng phát dịch SXH liên quan các thông số khí hậu; cung cấp các bằng chứng và cơ sở cho việc thiết kế hoạt động can thiệp để đạt những thay đổi xã hội và hành vi mang tính bền vững trong việc phòng, chống bệnh SXH; nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế công cộng của các cộng đồng dễ bị tổn thương, giúp họ ứng phó tốt hơn với dịch SXH bất thường; tăng cường năng lực của hệ thống y tế TP Cần Thơ nhằm ứng phó tốt hơn với xu hướng bất thường của dịch SXH. Điều được quan tâm hơn cả của DA chính là chú trọng nâng cao năng lực của các đối tượng liên quan. Ông Tăng Giang Sơn cho biết: "Lúc đầu, CLB phòng, chống SXH phường Trà Nóc có 12 thành viên, đến nay nâng lên 50 thành viên, với sự tham gia của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, tạo thành mạng lưới CTV chặt chẽ, đi sâu vào cộng đồng. Các CTV thường xuyên được tập huấn, đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về SXH nên nâng cao hiệu quả tuyên truyền cộng đồng". Cô Lê Thị Nguyên (khu vực 2, phường Trà Nóc) vừa là CTV dân số vừa là CTV Câu lạc bộ phòng, chống SXH, bộc bạch: "Nhờ được tập huấn thường xuyên, tôi am hiểu hơn các vấn đề liên quan bối cảnh BĐKH của địa phương và bệnh SXH. Khi vãng gia, tôi giải thích giúp người dân hiểu về dịch bệnh nguy hại, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống và sức khỏe bản thân và gia đình. Hiệu quả đẩy lùi SXH tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, duy trì thành tích khu vực văn hóa".
Theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng BĐKH TP Cần Thơ, điều quan trọng nhất của DA không chỉ nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn, nhà nước, ngành y tế mà còn tác động tích cực đến nhận thức, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; hỗ trợ, ảnh hưởng các địa phương khác trong phòng, chống SXH. Thời gian tới, thành phố tích cực thông qua các hội thảo về SXH để có thể tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, lãnh đạo ngành y tế. Qua đó, mạnh dạn đề xuất chính sách hỗ trợ, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động phòng, chống SXH ở TP Cần Thơ cũng như cả nước.
Theo Báo Cần Thơ