Nguy hiểm chết người
 
Ở Việt Nam, NKBV đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người từng phải điều trị và chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện. Đây được xem là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, mức sử dụng kháng sinh, sự kháng thuốc của vi sinh vật, chi phí dùng thuốc và gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

 

leftcenterrightdel
 Thường xuyên vệ sinh chân tay sẽ góp phần chống nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

 

Lấy ví dụ về 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh, bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trẻ chào đời dưới 37 tuần thai được xem là sinh non. Trẻ sinh non thường gặp các dị tật nhiễm sắc thể, thiếu ôxy hay viêm ruột và đều có nguy cơ NKBV cao hơn trẻ bình thường. Vi khuẩn gây bệnh có thể là các vi khuẩn gram dương và các trực khuẩn Gram (-), nấm, và ký sinh trùng. Tuy nhiên, NKBV do trực khuẩn gram (-) đa kháng thuốc kháng sinh đã và đang trở thành một tai họa thực sự cho các bệnh viện. Theo bác sĩ Điển, những bệnh nhi sinh non trên nền bệnh khác như: tim bẩm sinh, down,… dễ bị NKBV vì hệ miễn dịch kém. Theo thống kê, tình trạng trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 60%. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ tử vong với trẻ nhiễm khuẩn là dưới 50%. 
 
Còn theo bác sĩ Trương Anh Thư (Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai), tác nhân chính gây NKBV là 78% trực khuẩn gram (-); 19% cầu khuẩn gram (+) và 3% nấm. Các yếu tố liên quan tới NKBV gồm: bệnh nhân nặng điều trị tại đơn vị hồi sức cấp cứu, ngoại, bệnh nhân trải qua nhiều thủ thuật xâm nhập và bệnh nhân nhi. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, các loại vi khuẩn trong môi trường bệnh viện nguy hiểm hơn vi khuẩn ở các môi trường khác vì dễ nhờn với các loại kháng sinh.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. Tại các nước phát triển, có khoảng 5 - 10% người bệnh nằm viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện.
 
Chống nhiễm khuẩn bằng cách nào?
 
Mới đây, trong một cuộc hội thảo của Bộ Y tế bàn về vấn đề này, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, thực trạng việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đang ở mức thấp, công tác giám sát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, có 72,06% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn hằng năm, nhưng việc thực hiện giám sát vẫn rất thấp. Chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận giám sát nhiễm khuẩn chuyên trách. Tỷ lệ NKBV tại Việt Nam dao động từ 4,2-8,1%. 
 
NKBV mặc dù rất nguy hiểm, đe dọa mạng sống của con người, nhưng cách phòng chống khá đơn giản và tất cả mọi người đều có thể thực hiện. 
 
Các chuyên gia y tế đã đưa ra những cách hiệu quả nhất, là: cần vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân hoặc các hành động tương tự; thực hiện nghiêm ngặt các kỹ thuật với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi; dùng riêng cho từng bệnh nhân các dụng cụ như: ống kim, ống hút, bơm... lưu ý vấn đề quản lý chất thải, rác thải y tế. Qua đó, ngăn chặn mầm bệnh lây lan trong cộng đồng; với các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ có nguy cơ lây truyền nhiễm cần phải được nằm ở phòng cách ly…

Hòa Bình