Tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp. Tại Viện Mắt HN, hiện trung bình 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ đã bắt đầu vào mùa, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông đã tăng lên đáng kể. Trung bình một ngày, mỗi bệnh viện tiếp đón khoảng 15 - 20 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị.


ThS.BS Nguyễn Vinh Quang, Trường khoa Khám bệnh Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết: “Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng. Hiện trung bình cứ 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ. Bệnh tuy lành tính nhưng nếu người dân tự ý chữa trị đau mắt đỏ ở nhà không đúng loại thuốc, đến khi không khỏi, nặng mới đến khám sẽ thường để lại di chứng nặng nề.”


Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hay dùng chung các vật dụng với người bệnh đau mắt đỏ như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch đau mắt đỏ bùng phát. Bệnh thường gặp vào mùa hè nắng nóng, hay thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao…đỉnh điểm của bệnh là từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.

 

Đau mắt đỏ thương nhanh chóng lan thành dịch, với nhiều ca bệnh có biến chứng nguy hiểm.
Liên quan đến căn bệnh này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cách phòng tránh đau mắt đỏ quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…


Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.


Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

 

Theo Kiến thức

.