Do chất lượng nước đá hiện nay vẫn còn bị thả nổi nên nguy cơ nhiễm bệnh về đường ruột là khó tránh khỏi.

 

 

Thậm chí, vào những lúc giữa trưa, khi đá hết mà khách vẫn đông, người bán hàng còn tận dụng đá thừa của khách để cho vào thùng rồi lại bốc ra bán tiếp. Đáng lưu ý là một số quán không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào thùng xốp bảo quản để bán cà phê, nước giải khát trong khi theo quy định đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm.

 

Trước thực trạng trên, bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra cảnh báo, nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá "bẩn" dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết.

 

Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá "bẩn" nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (như: Thủy ngân, chì, asen, kẽm...) là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

 

Những nguy hại từ đá bẩn tới sức khỏe là không nhỏ, bởi nó có thể chứa các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp… Vì vậy, khi sử dụng người dân nên mua đá viên đóng trong túi nilon, có ghi tên cơ sở sản xuất đá sạch, có ngày sản xuất, hạn dùng và công bố chỉ tiêu chất lượng để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Theo VietQ

.