Có được đồng ra đồng vào không phải là chuyện khó với nhiều bà mẹ năng động, dù phải dành phần lớn thời gian chăm sóc trẻ trong 6 tháng nghỉ sinh.
 
Kiếm tiền nhờ khéo tay, hay làm
 
Khi cậu con trai vừa tròn một tháng tuổi, Phương (Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nảy ra ý tưởng bán bánh kem khi nhà sẵn có đồ nghề. Nguyên liệu có thể đi mua tại siêu thị gần nhà, bà mẹ trẻ tranh thủ tìm khách hàng trên Facebook, các trang rao vặt, diễn đàn...
 
Nhiều bà mẹ trẻ chọn tự làm bánh tại nhà và bán cho bạn bè, người quen. Ảnh minh họa: FoxNews.
Nhiều bà mẹ trẻ chọn tự làm bánh tại nhà và bán cho bạn bè, người quen. Ảnh minh họa: FoxNews.
 
Phương ước tính, sau tháng đầu tiên ít đơn hàng, nay cô cũng bán được 10 chiếc một tuần, thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng. "Thông thường một chiếc bánh bán ra khoảng 200.000-250.000 đồng thì mình lãi gần một nửa. Đấy là nguyên liệu đảm bảo vì bán kiểu này chủ yếu cho bạn bè hoặc người quen", Phương cho biết. "Quan trọng nhất là không quá bận, vẫn có thể vừa trông con, vừa tập tành cho lên tay nghề mà lại ra tiền", Phương hồ hởi nói.
 
Không biết làm bánh và nhà cũng không có đầy đủ đồ nghề, lò nướng, khuôn như Phương nhưng Thu (Gia Lâm, Hà Nội) lại kiếm thêm nhờ nấu tinh dầu dừa. Tương tự, nhiều bà mẹ trên các diễn đàn gần đây cũng hay rao bán sữa ngô tự nấu. Số khác lại chọn cách móc giày, thêu, đan lát rồi lên mạng rao bán. "Cách này không kiếm được nhiều lợi nhuận lắm nhưng vẫn đủ để mua bỉm, tã giấy cho con, hỗ trợ cho chồng. Được cái vừa làm vừa chăm con rất tiện", mẹ có nickname Lovelyxxx trên một diễn đàn kể.
 
Tuy nhiên, nhược điểm của cách thức này là chỉ áp dụng cho các bà mẹ khéo tay, có năng khiếu.
 
Nhận gia công các dịch vụ
 
Dịch vụ nhận thêu thuê tranh chữ thập bắt đầu xuất hiện khi cơn sốt của dòng tranh này bùng nổ. Thông thường, các bạn nữ thích tự mua về thêu để đem tặng hoặc đóng khung treo trong nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian và kiên nhẫn để tự thêu nên nhiều bà mẹ đứng ra nhận làm dịch vụ này. Giá thêu thuê hiện từ 1.000-2.500 đồng một ô vuông chữ thập nhưng thông thường, những mẹ có ít khách, làm ăn nhỏ thường chỉ nhận gia công giá từ 1.000-1.500 đồng một ô. "Thêu xong một bức tranh to, nếu nhận thêm cả việc đóng khung gỗ cho khách cũng kiếm vài trăm nghìn", Thu Huong - một thành viên trên Facebook chia sẻ.
 
Nhận thêu tranh chữ thập cũng có thể tạo thu nhập tại nhà.
Nhận thêu tranh chữ thập cũng có thể tạo thu nhập tại nhà.
 
Cũng có một số mẹ nhận gõ máy tính thuê (nhập số liệu hoặc gõ lại sách cũ từ bản scan sang word cho các công ty sách...). Tuy nhiên, công việc này có một số nhược điểm được các mẹ chỉ ra như: nhức mắt vì làm việc với máy tính nhiều, bản scan thường là hình ảnh nhòe, khó nhìn và thu nhập thấp.
 
Buôn bán online
 
Đây là hình thức không hề mới mẻ nhưng chẳng bao giờ lỗi mốt và hiệu quả nhất. Việc chính vẫn là chăm sóc con nhỏ nên các bà mẹ thường tranh thủ lên mạng rao bán những mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ dùng cho bé. Nguồn hàng được tận dụng lấy từ những mối quan hệ người thân, bạn bè.
 
Giao hàng cũng từng là một trở ngại với các mẹ nghỉ ở nhà sau sinh. Tuy nhiên, gần đây dịch vụ ship hàng cũng khá nở rộ và các mẹ chỉ cần tập hợp đơn hàng theo ngày và chuyển một lần duy nhất đến công ty giao hàng. Nhung (Tô Hiệu, Hà Đông) chia sẻ, các công ty vận chuyển này thường lấy 10.000-20.000 đồng mỗi đơn hàng, mình chịu một nửa, phần còn lại khách trả. Ngoài ra, thi thoảng cô vẫn nhờ chồng giao hàng hộ hoặc tranh thủ tự đi nếu gần. "Nói chung, quan trọng là mặt hàng mình bán như thế nào còn giao hàng không phải vấn đề", Nhung nói.
 
Bán nông sản quê, cây nhà lá vườn
 
Một số mẹ khác lại "canh tác" dựa trên nông sản của quê mình hoặc quê chồng. Hiện trên các "group" mua bán online, tần suất những người quảng cáo đồ thực phẩm quê ngày một nhiều. Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa có hai tháng tất bật, nhộn nhịp khi vườn chanh đào ở quê đến mùa thu hoạch. Các mẹ quê vùng biển thì nhộn nhịp bán hải sản tươi sống, một số mẹ ở vùng sơn cước như Sơn La, Hòa Bình thì rao bán thịt trâu gác bếp, lợn rừng, lợn mán...
 
Theo VnExpress