Đậu đỗ, dưa chuột, rau cải ngọt... thường xuyên có trong bữa ăn của người Việt; song từ quá trình trồng và chăm sóc của nhà nông, các loại thực phẩm này tiềm ẩn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng.

 
 
Giá đỗ là một loại rau khá nhiều chất dinh dưỡng, ngon và được nhiều người ưa chuộng. Nếu loại rau này được làm theo một cách thông thường thì nó rất sạch sẽ. Tuy nhiên, bây giờ những người làm giá đỗ cần tới một số loại thuốc kích thích để hạt nhanh nảy mầm, trắng đẹp.
 
Vài hộ dân ở làng Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội làm giá đỗ có cho thuốc kích thích tăng trưởng với chữ Trung Quốc. Nếu dân ở đây đặt mua ăn người bán sẽ làm riêng không cho thuốc, còn hàng bán ra các chợ nội thành Hà Nội chắc chắn bị ủ thuốc.
 
Giá đỗ ủ hóa chất có thân mập mạp, trắng ngần, dài, không có rễ. Còn giá đỗ không có hóa chất màu không trắng và rất gầy, nhiều rễ dài.
 
Rau cải là loại rau thu hút nhiều sâu bọ khi trồng trên đất. Vì vậy, các chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào khoảng thời gian trước khi thu hoạch.
 
Anh Hùng, một nông dân ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội, nói: "Rau cải ngọt đánh thuốc dễ nhất vì lá nó hấp thụ nhanh nhất. Hiện cải nào cũng đắt hàng, giờ cải ngọt 15.000 đồng một kg. Cải xanh đã bán 5.000 đồng một mớ".
 
Cần nước cũng là loại rau dễ “ăn” phân bón và thuốc trừ sâu. Rau cần được bón nhiều phân đạm và thuốc trừ sâu sẽ có thân to, ngó trắng phau bất thường, để một ngày không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại.
 
Rau “ăn” thuốc thế nào?
 
Thuốc trừ sâu là sự pha trộn của các hóa chất dùng để tiêu diệt hay ngăn chặn các loài côn trùng, bệnh tật và cỏ dại mà có thể ảnh hưởng tới mùa màng.
 
Việc dùng một lượng nhỏ thuốc trừ sâu không gây hại. Nhưng một số nghiên cứu lại chỉ ra sự liên quan giữa thuốc trừ sâu và các vấn đề sức khỏe như ung thư, chứng tăng động giảm chú ý và các rối loạn thần kinh; đặc biệt, nếu tiếp xúc nhiều sẽ gây suy yếu hệ miễn dịch.
 
Khi phun thuốc trừ sâu, không chỉ lá, mà cả củ cũng bị ảnh hưởng. Theo PGS.TS Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Rau quả, bất cứ loại thuốc trừ sâu phun để bảo vệ cho bộ phận nào thì đều có tác dụng lên bộ phận đó.
 
Thuốc bảo vệ lá sẽ phòng sâu bệnh trên lá. Thuốc bảo vệ củ sẽ ngấm vào củ và có tác dụng phòng sâu bệnh cho củ. Các loại củ ở đây như su hào, khoai tây… Do vậy, nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu ở củ hay ở lá là như nhau, chứ không phải như một số người cho rằng rau ăn lá dễ bị nhiễm thuốc hơn rau củ và như vậy ăn rau củ sẽ an toàn hơn.
 
Với rau mua ngoài chợ, khi chế biến các loại rau có bẹ như cải, cải thảo... nên cắt bỏ phần gốc, tách rời từng lá, nhặt bỏ lá sâu. Sau đó, ngâm rau vào nước hòa thuốc tím khoảng 15 phút rồi rửa kỹ từng lá dưới vòi nước chảy vài lần trước khi đưa vào chế biến tiếp.
 
Hiện, nhiều thuốc kích thích tăng trưởng hay còn gọi là thuốc điều hòa sinh trưởng có thành phần hoạt chất là Gibberellic acid giúp khích thích tăng trưởng cho cây trồng được nhiều nông dân sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn: “Nếu sử dụng Gibberellic acid quá liều ghi trên nhãn là sai".
 
Chất này tác dụng tới tùy đối tượng cây trồng, nếu quá thì cây sẽ không phát triển bình thường, làm cây biến đổi và chất lượng thực phẩm cũng thay đổi. Gibberellic làm kéo dài tế bào nếu trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, làm cây phát triển nhanh theo chiều dọc.
 
Theo ông Giang, thường dùng liều lượng cao và tùy thuộc chế độ dinh dưỡng, chất này có thể làm nhạt màu của lá. Khi sử dụng quá liều lượng ghi trên nhãn ít thì người tiêu dùng cũng khó để nhận biết được, chỉ có thể nhận biết qua kiểm tra dư lượng trong cây trồng, nếu vượt ngưỡng là hoàn toàn độc hại.
 
Để loại bớt phần nào chất độc hại, ngoài việc ngâm rửa, chần qua nước muối, rau củ có thể sử dụng nước rửa rau quả.
 
Ông Mai Văn Tiến - Phó giám đốc Trung tâm Vật liệu, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Những loại nước rửa này có thành phần cơ bản là Alcohol Ether Sulfate, chất tẩy rửa bề mặt. Ngoài tác dụng rửa sạch dầu mỡ trong nấu nướng, các loại nước rửa này phần nào có tác dụng trong việc rửa hoa quả khi loại bỏ chất bẩn bám trên bề mặt".
 
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là nước rửa rau quả này có rửa sạch hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc ép rau, quả chín, thuốc kích thích tăng trưởng… Ông Tiến cho rằng, loại nước này chỉ rửa bớt phần nào, còn khi thuốc đã ngấm vào trong rau quả thì rất khó rửa sạch. Vì vậy, người tiêu dùng cũng không nên kỳ vọng vào loại nước rửa này.
 
Theo VTC
.