Cả làng nuôi… muỗi
Cập nhật lúc 14:37, Thứ tư, 31/07/2013 (GMT+7)
Nhắc đến muỗi, người ta thường nghĩ đến cụm từ “diệt muỗi”, nhưng ở Khánh Hòa có một làng đặc biệt, cả làng cùng “nuôi muỗi”. Người dân ở đảo Trí Nguyên, Nha Trang gọi công việc này là nuôi con “bỏng ngô”.
Theo Tiến sĩ Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trước khi tiến hành thử nghiệm ở đảo Trí Nguyên, từ năm 2009, các thành viên của dự án đã tham vấn cộng đồng ở đây trong một thời gian rất dài và đã nhận được sự đồng thuận của 97% số hộ dân trên đảo. Trước khi thả ấu trùng chứa vi khuẩn Wolbachia, suốt gần 3 tháng, hơn 60 thành viên của Dự án đã tiến hành làm giảm đáng kể quần thể muỗi Aedes aegypti có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết trên đảo.
Trong quá trình thực hiện Dự án, các cán bộ thường xuyên tự nguyện cho muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đốt, ăn máu. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đến cộng đồng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân, từ cuối tháng 3, nhóm Dự án đã tổ chức khám sức khỏe tổng quát lần 1 cho toàn bộ người dân trên đảo. Khi dự án kết thúc (năm 2015), người dân sẽ được khám sức khỏe nhắc lại lần 2. Đặc biệt, dự án sẽ tiến hành tìm kháng thể có thể kháng vi khuẩn Wolbachia trên huyết thanh của người dân ở đảo trước và sau khi đặt ấu trùng để đưa thêm các bằng chứng khoa học khẳng định lại vi khuẩn Wolbachia không truyền sang người.
Trước đó, các nước như: Úc, Trung Quốc, Brazil đã triển khai thành công chương trình này và đạt kết rất quả khả quan. Một số nước khác đang xúc tiến để triển khai như: Singapore và Thái Lan…
“Nếu dự án này thành công sẽ là một kết quả rất có ý nghĩa đối với chiến lược phòng chống sốt xuất huyết ở Việt Nam nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Chúng tôi rất hy vọng việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia thay thế quần thể muỗi tự nhiên sẽ là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi căn bệnh này”, ông Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa nói.
Xuân Nha