Buổi tối, vừa mở cửa định bước ra đường để mua một ít thực phẩm dự trữ, song giọng nói tiếng Việt lơ lớ, đầy lo lắng của cô con gái 9 tuổi khiến tôi phải quay trở lại: “Bố mẹ cẩn thận không bị bắn chết đấy, con không thích sống mồ côi đâu”...
|
Một quầy hàng của người Việt. |
Phải tự bảo vệ lấy mình
Chả là buổi sáng khi đến lớp, cô giáo chủ nhiệm của con gái tôi thông báo có một học sinh nam lớp 11 bị bắn chết lúc ra khỏi nhà đi học, nên con tôi sợ hãi. Tôi dặn con: “Nếu không thấy bố mẹ về thì chạy xuống bác Bắc ở tầng 3, nhờ bác nuôi nhé...”. Vừa ầng ậng nước mắt, con bé đã kịp cười ngây thơ: “Dạ! Thế cũng được!”. Đúng là nửa ta, nửa tây.
Tình hình Kiev những ngày cuối tháng 2 thực sự đã đi vào hỗn loạn và nằm bên bờ vực nội chiến. Tôi đã phải đăng tải một khuyến cáo lên trang mạng congdongxuNghe tại Kiev, đề nghị bà con Việt Nam cần hết sức cảnh giác, tự bảo vệ lấy mình. Bởi một thực tế xảy ra là: Khi tình trạng một đất nước đang nháo nhác, thì bản thân họ phải lo cho mình còn chưa xong, huống gì đi lo cho người nước ngoài.
Thủ đô Kiev là một trong những thành phố đẹp của Liên Xô cũ và thế giới. Thế mà, trong cơn bạo loạn của cuộc biểu tình dân chủ, trung tâm Kiev trông như một bãi chiến trường ngổn ngang. Đường phố bị cậy phá hết gạch đá để làm vũ khí. Những con đường cổ làm bằng đá xanh có từ hàng trăm năm trước cũng bị những kẻ quá khích phá không thương tiếc. Các cửa hàng, cửa hiệu, các công sở của chính quyền bị đốt cháy, đập nát, nhìn thật thê thảm. Họ chẳng tiếc gì những công sức của tiền nhân.
Các tổ chức cực đoan và các băng đảng tội phạm trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ dưới nhiều chiêu bài khác nhau. Họ lợi dụng sự lơi lỏng của hệ thống luật pháp đang bị tê liệt, với đích ngắm là tấn công vào các hệ thống cửa hàng, ngân hàng và người nước ngoài. Đã xảy ra một số vụ giết người không vì nguyên nhân chính trị.
Mọi gia đình người Việt đều dặn nhau, chỉ xuống đường vì lý do bất khả kháng. Không đi đâu một mình. Thi thoảng lại nghe tin có người bị giết... Thế mới hiểu, được sống trong hòa bình sung sướng biết chừng nào.
Tại Kiev, cộng đồng bà con Việt Nam - kể cả sinh viên và các tổ chức doanh nghiệp - có khoảng hơn ngàn người, sống rải rác khắp thành phố. Hơn nửa trong số họ kinh doanh tại các chợ. Cuộc sống của mọi người vốn bình yên xưa nay, giờ xáo trộn dữ dội.
Mọi người nháo nhác gọi hỏi tin nhau. Nhất là những gia đình có con đang học đại học bị kẹt trong các trường không thể về nhà được. Nhưng thật may vì cho đến nay, tính mạng và tài sản của cộng đồng người Việt tại Ukraina đều chưa bị ảnh hưởng.
“Lá lành đùm lá rách”
Đại sứ Nguyễn Minh Trí ngay sau khi nhậm chức vào giữa tháng 2 đã gửi thông tin cho các lãnh đạo cộng đồng ở các tỉnh của Ukraina và ở Kiev để thông báo cho bà con tình hình chiến sự xảy ra; đồng thời, đưa ra những khuyến cáo và các quan ngại để bà con có thể phòng tránh. Đại sứ thông báo, Đại sứ quán Việt Nam là mái nhà chung cho người Việt ở Ukraina và sẵn sàng đón tiếp bà con nếu có sự cố gì xảy ra. Chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm này.
Một điều may mắn nữa, cộng đồng Việt Nam ở mọi thành phố tại Ukraina đều có hội đoàn hay các tổ chức xã hội. Những người phụ trách liên tục họp bàn, liên hệ để đưa ra các giải pháp cứu trợ nếu tình hình xấu đi.
Trong cộng đồng người Việt ở Kiev, có nhiều hội nhỏ như Hội đồng hương xứ Nghệ. Anh em trong nhóm ngày nào cũng gọi điện cho nhau để nắm bắt thông tin kịp thời. Nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ sẵn sàng tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Trong khó khăn hoạn nạn mới thấy rõ tình cảm đồng bào.
Làn sóng biểu tình tại Kiev đã chấm dứt hơn 10 ngày qua. Nhiều người thở phào, mong “trời sáng”. Song bản thân tôi lại quan ngại. Linh cảm của tôi đã đúng, vì thực tế đã chứng tỏ mọi chuyện không đơn giản dừng lại ở đó. Xáo trộn tại Ukraina không giảm đi, mà ngày càng leo thang thêm. Dù rằng trung tâm biến cố hiện đã được đẩy khỏi thủ đô Kiev và dịch chuyển về biên giới, đến các tỉnh phía đông.
Khi tôi viết những dòng này, thành phố Kiev đã nối lại những hoạt động thường nhật. Quảng trường Maidan đã khôi phục lại phần lớn diện mạo thanh bình trước đây, chỉ trừ một vài nhóm biểu tình lẻ tẻ thi thoảng tụ họp để ủng hộ chính quyền mới. Nhưng trái với vẻ bề ngoài khá tĩnh lặng, bên trong các khu dân cư của Kiev lại hứng chịu những biến động khác.
Chính quyền mới của Ukraina hết sức lúng túng, khi vừa lên cầm quyền đã đối mặt với những căng thẳng nổi lên ở Crimea và miền đông. Do phải tập trung vào mối lo tại Crimea nên chính quyền không đảm bảo được an ninh trong thành phố. Điều này khiến mọi khu vực dân cư tại Kiev đều lập nên các đội tự quản, trong đó gồm cả thành phần tốt, nhưng cũng có lẫn một số thành phần bất hảo.
Đây là lý do việc đi ra ngoài vào ban đêm là một nỗi lo khủng khiếp. Vào buổi đêm, trục đường gần khu chợ Trershina có đông người Việt buôn bán, những nhóm thanh niên vẫn đem lốp ôtô chất giữa đường. Nhiều người tay lăm lăm gậy.
Theo thông báo của chính quyền tại Ukraina, có 15 tổ chức đội lốt người biểu tình ở Maidan, nhưng thực ra là những nhóm bạo lực nhằm trấn lột các doanh nghiệp, các quan chức chính quyền cũ. Đêm 3.3, báo Ukraina đăng tải công an bắn nhau ngay ở ngoại ô Kiev làm chết mấy người. Khắp Kiev vẫn tiềm ẩn những xung đột.
Phải cố thôi…
Các khu chợ tại Kiev đã mở cửa lại bình thường. Song, điều khó khăn cho bà con Việt Nam - vốn đa phần làm kinh doanh - là đồng ngoại tệ tại Ukraina lên xuống không kiểm soát được. Có ngày nhảy 5 đến 7 giá. Thua lỗ liên tục khiến cộng đồng người Việt hiện nay sống vô cùng chật vật.
Đặc biệt tại thành phố Kharkov - nơi có đông đảo người Việt sinh sống - hiện cũng đang hứng chịu làn sóng bạo loạn lan tràn. Nhiều người than bế tắc khi khó khăn đã quá giới hạn chịu đựng.
Chúng tôi phân vân không biết lựa chọn con đường trước mặt như thế nào. Vợ tôi liên tục thúc giục đưa con về Việt Nam, nhưng cháu đang học dang dở lớp 3, nên để đưa ra một quyết định là rất khó. Tôi bàn với vợ sẽ đưa con gái về với ông bà khi kỳ nghỉ hè tới vào tháng 5. Sau đó, nếu Ukraina đã ổn định trở lại thì chúng tôi sẽ đưa con quay lại. Còn nếu không, con bé sẽ đi học tại Việt Nam. Phải cố thôi, dù con không thông thạo tiếng Việt.
Trông người lại ngẫm đến ta - đất nước Việt Nam dù còn khó khăn vất vả, nhưng người dân được sống trong an bình cũng đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Cứ hãy thử nhìn ra thế giới để thấy các nước như Ai Cập, Syria... và gần nhất là Thái Lan, giờ đây bị chìm đắm trong biểu tình và bạo lực.
Những cuộc biểu tình được trưng ra bằng cái mác “dân chủ” đã đẩy những đất nước này ngập sâu trong khủng hoảng triền miên, dù trước đây, những đất nước này vốn dĩ là những thiên đường du lịch. Giờ thì chẳng biết đến khi nào dân chúng được sống bình an.
Làn sóng biểu tình ở Kiev đã ngừng, nhưng hiện tại lại nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nhịp sống thật căng thẳng, đi ra đường nhìn nét mặt lo âu tột độ trên những gương mặt vốn hồn hậu của người dân Kiev mà thương.
Tôi từng trải qua chiến tranh, đội mũ rơm đến trường, ăn rau lang, rau má thay cơm, chui hầm khi máy bay Mỹ gầm rú. Khi sang Liên Xô, đến tận nơi vùng chiến sự ở Karabak, rồi nhìn pháo bắn vào Nhà Trắng ở Nga, nhìn thấy bom đạn chết chóc bao lần, nên quý lắm những phút giây bình yên.
Thật lo lắng cho vận mệnh đất nước xinh đẹp này, bởi chúng tôi đã sinh sống ở đây hơn 25 năm, bao vui buồn, sướng khổ cả một thời thanh xuân cũng có cả ở đây. Một thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên được học hành thành đạt cũng ở đây, đã xem đây là quê hương thứ hai của mình sau đất mẹ Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, chúng tôi - những con dân Việt Nam đang sống ở Kiev - mong đất nước xinh đẹp này sớm thoát ra khỏi bờ vực thẳm chiến tranh; để được trở lại cuộc sống thanh bình vốn có như màu xanh bầu trời, cùng màu vàng bát ngát của đồng lúa mỳ trên lá quốc kỳ Ukraina.
Theo Lao động