Một nữ sinh viên Đài Loan đã bị amip “gặm mòn” giác mạc của cả hai mắt do mang loại kính áp tròng dùng một lần trong suốt hơn nửa năm mà không tháo ra.

 


Cặp kính áp tròng mà nạn nhân mua vốn chỉ để đeo trong một tháng, nhưng cô gái đã đeo suốt hơn 6 tháng liền, kể cả khi ngủ. Sau khi cảm thấy đau nhức ở mắt, bệnh nhân đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán là bị viêm giác mạc do amip. Nguồn gây nhiễm trùng là từ nước bẩn mà cô gái vẫn dùng để rửa mặt.

Viêm giác mạc do amip thường xảy ra ở những người mang kính áp tròng hoặc mắt tiếp xúc với nước bẩn.

Wu Jian-liang, trưởng khoa Mắt bệnh viện Wan Fang cho biết người mang kính áp tròng là nhóm có nguy cơ cao bị các bệnh về mắt. Tình trạng thiếu ô xi ở mắt có thể phá hủy bề mặt của biểu mô, tạo thành những vết thương ở mắt và tạo môi trường phù hợp cho amip sống.

Cô gái này đã không tuân thủ quy trình giữ vệ sinh cho kính áp tròng và việc lạm dụng kính đã khiến giác mạc bị tổn thương dần dần.

Sau nửa năm mang kính, giác mạc của nạn nhân đã bị amip “ăn mòn” và chỉ còn bằng một nửa kích thước bình thường.

Không may là polyhexamethylene biguanide (PHMB) hoặc chlorhexidine, được xem là những thuốc hiệu quả trong việc điều trị amip, vẫn chưa được sử dụng ở Đài Loan.

Theo các bác sĩ, kính áp tròng dù là loại cứng hay mềm cũng không nên để tiếp xúc trực tiếp với nước, vì sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm vi rút hoặc ký sinh trùng. Số vụ viêm giác mạc do amip thường tăng mạnh trong mùa hè, và do đó mọi người nên chú ý nhiều hơn tới vệ sinh cá nhân trong thời gian này.
 

Theo Asiaone/ Dân trí

.