Việt Nam hiện xếp hạng 14 trên 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc mới và 16.000 người tử vong.

 


Năm 2015 ước tính có khoảng 10,4 triệu trường hợp mắc lao trên thế giới, trong đó có 1,2 triệu người đồng nhiễm lao và HIV. Khoảng 480.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và khoảng 1,4 triệu ca tử vong do lao trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đã xây dựng chiến lược chấm dứt bệnh lao với mục tiêu đến năm 2030 giảm 80% người mắc lao mới, giảm 90% bệnh nhân tử vong do lao.

Mỗi năm nước ta có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và khoảng 16.000 người tử vong. Bệnh nhân không có miễn dịch với bệnh sau khi đã mắc bệnh. Những năm qua Việt Nam đã nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao với tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm giảm khoảng 4 đến 5%.

"Tuy nhiên cuộc chiến chống lao với mục tiêu giảm tỷ lệ bệnh xuống còn 20/100.000 dân vào năm 2030 vẫn còn nhiều thách thức", bác sĩ Lân nhấn mạnh. Việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Việc tài trợ cho điều trị bệnh lao ít hơn so với HIV và sốt rét, dù ảnh hưởng đến sức khỏe dân số lớn hơn nhiều.

Tiến sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM cho biết từ năm 2014 hội đã phối hợp cùng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Trung tâm Y tế dự phòng Quận Gò Vấp triển khai chương trình "Chăm sóc đúng". Đến năm 2016, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao ở Gò Vấp tăng lên 11% và tỷ lệ bỏ trị giảm xuống còn 0,8%, so với trước khi thực hiện chương trình là 7%.

Số mắc lao mới tại TP HCM ước tính 20.000 người mỗi năm, chương trình tiếp tục được mở rộng tại quận 8, Bình Chánh. Thành phố sẽ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh lao, tăng tỷ lệ phát hiện bằng các kỹ thuật xét nghiệm mới, đặc biệt chú trọng phát hiện lao trẻ em để điều trị và hạn chế nguồn lây lan trong cộng đồng.
 

Theo Lê Phương/vnexpress

.