Đấu quả dẻ có tác dụng trị đan độc, sưng đỏ, lỵ, viêm ruột, tràng nhạc; vỏ thân cây trị sang độc và đông sang; lá chữa ho, phòng và trị ho gà, lở gan.

 


Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả nhiều cuốn sách về cây thuốc Việt Nam, cho biết cây dẻ Trùng Khánh còn gọi là dẻ Cao Bằng, tên khoa học là Castanea mollissima Blume, thuộc họ dẻ Fagaceae. Loài thực vật này thường sống ở độ cao từ 500 đến 2.000 m, tập trung thành loại hình ưu thế rõ rệt. Cây ưa sáng, mọc được trên đất hoang, đất lẫn đá, đất chua hay đất đá vôi. Tái sinh bằng hạt. Ra hoa từ tháng 2 đến 3, quả chín từ tháng 10 đến 12.

Dẻ là cây gỗ lớn cao tới 20 m, đường kính đến một mét. Vỏ ráp, mủn. Cành non có lông xám, khi già màu nâu hung với các vẩy trắng ngang. Lá đơn mọc so le, phiến hình trái xoan, ngọn giáo hay bầu dục - thuôn, dài từ 14 đến 20 cm, rộng từ 5 đến 7 cm, đầu có mũi nhọn, gốc tròn hay hình tim lệch, mép có răng cưa nhọn thưa, mặt dưới có lông tơ trắng, gân bên từ 15 đến 17 đôi, cuống dài cỡ một cm, lá hình bầu dục dài. Vỏ quả ngoài cứng lại, hóa gỗ, chứa một hạt, xếp từ 2 đến 3 quả trong một bao chung hình cái đấu. Đấu quả hình cầu, rộng từ 5 đến 6 cm, có gai nhọn, cứng, phân nhánh dài hơn một cm, có lông hình sao.

Dẻ được trồng ở vùng núi Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, nhiều nhất ở Cao Bằng (Trùng Khánh, Bảo Lạc, Hạ Lang), ngoài ra còn phân bố miền Nam Trung Quốc. Phân tích dược lý cho thấy hạt dẻ chứa alkaloid, các hợp chất polyphenol, castamolissin, isochesnatin, isochestanin và castanin, ngoài ra còn có 20 chất tannin có thể thủy phân được. Quả có các đường arabinose, fructose, glucose, galactose, xylose. Molissin là một protein phân lập từ hạt dẻ có tác dụng ức chế sự sinh sản thể sợi của các nấm Fusarum oxysporum, Mycosphaerella arachidicola và Physalospora. Vỏ quả này có tác dụng thu liễm.

Đông y dùng đấu quả và vỏ thân dẻ Trùng Khánh để làm thuốc. Người ta thu hái quả vào mùa thu, phơi ngoài gió hoặc phơi khô. Thuốc này vị ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ dượng vị, bổ thận cường cân, hoạt huyết chỉ huyết. Đấu quả trị đan độc, sưng đỏ, lỵ, viêm ruột, tràng nhạc. Vỏ thân chữa sang độc và đông sang. Lá chữa ho, phòng và trị ho gà, lở gan.

Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu bài thuốc từ dẻ Trùng Khánh như sau:

- Chữa đan độc: Đấu quả dẻ 100 g sắc lấy nước để rửa chỗ đau.

- Dị ứng sơn: Vỏ thân dẻ 250 g sắc lấy nước, nhúng miếng sắt gỉ vào rồi lấy nước đó rửa ngoài vết đau.
 

Theo vnexpress

.