Giữa lúc dư luận trong nước đang dần mất niềm tin vào ngành y tế sau những lùm xùm về bệnh viện quá tải và vắc xin gây tử vong, thì vẫn có những bác sĩ đang hết lòng vì người bệnh, dùng cái “tâm” để cống hiến cho sự nghiệp cứu người. Bác sĩ (BS) Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, là một vị lương y như thế.

 

 

Phòng khám gia đình của BS Dũng được đặt ngay tại nhà riêng nằm trên đường Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú, TP.HCM). Cảm nhận đầu tiên khi vừa bước vào là sự đơn sơ của căn phòng khám, với nội thất duy nhất trong gian phòng chờ là khoảng chục chiếc ghế nhựa, hai cây quạt treo tường, cùng chiếc bàn nhỏ để nhân viên ghi tên bệnh nhân. Khu vực khám cũng không xây tách biệt mà chỉ ngăn cách với khu chờ bằng một tấm bạt mỏng. Nó trái ngược hẳn với sự sang trọng của rất nhiều những phòng khám tư nhân điều hòa mát lạnh hiện nay. Tuy nhiên, trong sự giản đơn mà ngăn nắp, gọn gàng đó vẫn chứa đựng sự chu đáo của gia chủ đối với người bệnh, có những chiếc ghế mây bé xíu dành riêng cho các bệnh nhân nhí, bao quanh một chiếc bàn con khi thì để tấm giấy vẽ với vài cây bút màu, khi thì một vài quyển truyện tranh để các em chơi đùa trong thời gian chờ gọi. Nếu không nói, chắc cũng không ai nghĩ căn phòng khám giản dị này là thuộc về một cựu Giám đốc Sở, khi mà hiện nay những bác sĩ đến cấp trưởng khoa thôi mà đã có thể mở phòng khám bề thế hơn rất nhiều.

 

“Cả gia đình tôi đi khám chỗ bác Dũng cũng phải được 5,6 năm nay qua lời giới thiệu từ một người bạn. Lần đầu đến tôi còn tưởng mình nhầm chỗ vì sao phòng khám của nguyên giám đốc Sở mà… bình thường quá vậy. Khám rồi mới biết bác lấy giá khám rất rẻ, chỉ 15, 20 nghìn một lần, thậm chí bệnh nhân nghèo trong khu bác không lấy tiền khám mà còn giảm tiền thuốc. Bác rất tận tâm, nhiệt tình với bệnh nhân. Hồ sơ người bệnh bác ghi lại hết, ai đến kỳ tái khám mà không đến là bác gọi điện hỏi thăm, ai khó khăn thì bác bảo cứ đến khám tiền bạc tính sau, ai lười không đi có khi bác “mắng” cho vì không trị dứt thì sao hết bệnh được”, anh T.Hải (ngụ ở Q.Phú Nhuận), một bệnh nhân lâu năm của BS Dũng chia sẻ.

 

Qua thông tin từ người quen của gia đình BS Dũng, chúng tôi được biết bác mở phòng mạch này từ năm 2007, sau khi mãn chức Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. “Thời điểm đó công việc của BS Dũng không hẳn là rảnh rỗi, vẫn phải làm tròn nghĩa vụ của một cán bộ y tế, vẫn phải dự những phiên họp, hội thảo của ngành, nhưng bác vẫn mở phòng khám để phục vụ bệnh nhân. Có khi sáng tôi bật tivi còn thấy trực tiếp bác tham dự hội nghị y tế quốc gia, đến chiều đúng giờ đã thấy bác có mặt tại phòng khám. Có lẽ cũng vì tâm nguyện muốn đóng góp gì đó cho bệnh nhân nghèo của bác, dù có trong cương vị nào đi nữa”, anh Đ.Tiến, một người hàng xóm của gia đình BS Dũng cho biết.

 

Trong khi bác sĩ gia đình là nghề hái ra tiền hiện nay, thu nhập có khi lên đến vài chục triệu một tháng, thì BS Nguyễn Thế Dũng vẫn ngày ngày cùng căn phòng khám đơn sơ âm thầm khám chữa cho người bệnh. Tuy nhiên, bản thân BS lại luôn từ chối khi có người ngỏ ý muốn đưa câu chuyện của mình tới công chúng: “Nhiệm vụ của bác sĩ là chữa bệnh giúp người, rất hiển nhiên, có gì đâu mà phải đưa lên báo”. Vậy mà nhiệm vụ hiển nhiên ấy nhưng nhiều y, bác sĩ hiện nay dường như đã quên, quên cả lời thề Hippocrates, quên luôn đạo đức của một người thầy thuốc. Thiết nghĩ những tấm gương như BS Dũng là rất cần thiết cho lớp “hậu bối” có thể noi theo đó mà tiếp tục bồi đắp cho hình ảnh “lương y như từ mẫu” của bác sĩ Việt Nam, đừng để nó tiếp tục lung lay trong lòng người dân thêm nữa.


Theo NTD

.