Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B (VNNB), trong đó 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để phòng bệnh VNNB.
 
 
* Phóng viên: Bác sĩ cho biết tình hình bệnh VNNB trên địa bàn tỉnh?
 
- Bác sĩ  Hà Văn Thanh: Từ năm 2004, vắc xin phòng VNNB bắt đầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, đến năm 2007 được triển khai trong toàn tỉnh. Nhờ đó, VNNB đã được khống chế tốt. Giai đoạn 2004-2015, tỉnh không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh này. Riêng năm 2016, ghi nhận 1 trẻ sinh năm 2002 tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) mắc VNNB và đã được điều trị kịp thời. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, qua giám sát dịch, ngành y tế cũng chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh VNNB. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh này chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. VNNB là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, bệnh để lại di chứng nặng nề về thần kinh, vận động.
 
* Ngành y tế đã có những biện pháp gì để phòng chống bệnh VNNB?
 
- Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh đang tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh VNNB để phát hiện sớm các trường hợp mắc, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch (nếu có); tổ chức tốt thu dung, điều trị nếu có bệnh nhân VNNB nhằm hạn chế tối đa trường hợp mắc, biến chứng và tử vong; tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ, bảo đảm tất cả các trẻ đều được tiêm vắc xin phòng bệnh này. Bên cạnh đó, ngành y tế và các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh VNNB và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm.
 
* Bác sĩ cho biết ai có nguy cơ mắc bệnh VNNB và cách phòng tránh?
 
- Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh VNNB chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
 
Tiêm vắc-xin phòng VNNB là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng, với 3 liều: mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi 2 sau đó 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm, tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm vắc xin phòng bệnh này.
 
Bên cạnh đó, vì muỗi là vật trung gian truyền bệnh nên người dân cần áp dụng các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng và chống muỗi đốt.
 
Theo Minh Thiên (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
.