Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ án liên quan đến mối quan hệ vốn thiêng liêng và vô cùng gắn bó: Tình mẫu tử. Có lẽ khi phải chịu những áp lực từ gia đình và xã hội người mẹ chọn con đường ép con mình phải chết.
 
Nhưng nguyên nhân khác vừa đáng thương và đáng trách lại là từ chính người mẹ, khi họ không đủ bản lĩnh và sự bình tĩnh để vượt qua áp lực tâm lý từ những mâu thuẫn mang tên: Gia đình. 
 
Không vượt qua mâu thuẫn gia đình 
 
Câu chuyện của Hồ Thị Sen, 29 tuổi, ở thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, giết con 2 tháng tuổi khiến không ít người bàng hoàng .
 
Trước đó, cả ngày 23-6, Hồ Thị Sen đứng ngồi không yên chờ người chồng là anh Hồ Văn Lâu, 32 tuổi, đi làm về đưa tiền công được nhận sau mấy ngày làm thuê. Tuy nhiên, mãi đến đầu giờ tối vẫn không thấy chồng về. Nghĩ chồng đi nhậu sau khi nhận tiền công khi nhà đang hết tiền, Hồ Thị Sen nổi cơn tức giận. Lúc này đứa con nhỏ Hồ Thị Ly, 2 tháng tuổi khóc đòi sữa. Vừa cho con bú vừa tức chồng, Hồ Thị Sen nảy sinh ý định giết con nhỏ. Trong lúc đang cho con bú, Hồ Thị Sen dùng tay xiết chặt cháu vào ngực mình dẫn đến ngạt thở chết. Sau khi giết con, Hồ Thị Sen bỏ xác con mình trước cửa nhà, đi ra ngoài đường.
 
Điều đáng nói là Sen đã có một đời chồng và hai con trước khi lấy anh Lâu. Tưởng rằng khi lập gia đình lần thứ 2, Sen sẽ là người phụ nữ biết rút kinh nghiệm từ đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu để xây dựng gia đình yên ấm. Nào ngờ, cả anh Lâu và Sen sống với nhau nhưng đều ham uống rượu, lười đi làm, có đồng nào tiêu sạch đồng nấy. Một người hàng xóm nhà anh Hồ Văn Lâu cho biết, có lần đứa con nhỏ chưa tới 2 tuổi đói bụng đòi ăn, Hồ Thị Sen bực tức đánh cháu bé túi bụi. Mặc dù đến tháng 4-2014 sinh cháu gái Hồ Thị Ly nhưng hai vợ chồng vẫn lười lao động. Chính vì phải nuôi 2 con nhỏ, không tiền bạc, trông chờ vào chồng nên trong lúc tức giận Sen đã suy nghĩ nông cạn dẫn đến giết con ruột.
 
Vụ án Nguyễn Thị Lý, SN 1982, trú tại thôn Vườn Quan, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chém chết con trai 8 tuổi là cháu Nguyễn Lý Thành Long cũng khiến rất nhiều người phẫn nộ. 
 
Chỉ vì giận chồng mà người mẹ này nhẫn tâm gây nên cái chết thương tâm cho con mình. Sự việc xảy ra vào trưa 22-6, Lý cùng con trai ngủ trưa, trằn trọc mãi không ngủ được, cứ nghĩ đến việc chồng cũ đi lấy vợ khác là cơn ghen tuông lại trỗi dậy nên Lý nảy sinh ý định giết con để trả thù chồng và gia đình chồng. Khoảng 14g cùng ngày, khi con đã ngủ say, Lý xuống bếp lấy con dao phay (loại dao thái phở) dài khoảng 40cm mang lên chém nhiều nhát vào cổ và người con, sau đó gọi mẹ đẻ về để lo mai táng cho cháu và gọi CA bắt mình.
 
Cũng có những người mẹ chọn giải pháp tự tử cùng con sau khi không biết làm sao để vượt qua những mẫu thuẫn hay khó khăn của gia đình. Ngày 24-3-2014, chị Giang Thị Mỹ Diệu, 27 tuổi, trú tại thôn Phước Bắc, giáo viên mầm non xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, đã dẫn 2 con cùng tự tử. 
 
Chị Diệu  đưa 2 con là Mai Thị Thảo My (3 tuổi) và Mai Gia Huy (2 tuổi) đi khỏi nhà, không thấy mẹ con chị về, nhiều người đổ xô đi tìm và khoảng 21g30 thì phát hiện 3 mẹ con chị Diệu chết đuối ở lòng hồ Phú Ninh trong tư thế trói chặt tay nhau. Ngoài ra, người nhà nạn nhân còn tìm thấy một bức thư do chị Diệu viết vào lúc 1g30 ngày 9-3, trong đó có nội dung tâm sự với chồng. Chồng chị Diệu đang cai nghiện. 
 
Trong một vụ án khác, do mâu thuẫn với chồng, chiều 23-1-2014, chị Lý Thị Dần, SN 1984, trú tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đã cho 2 con là Triệu Thị Thanh Nhung (SN 2009) và Triệu Văn Sỹ (SN 2011) uống thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngay sau đó, 3 mẹ con chị Dần được người thân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng do ngộ độc quá nặng, cả 3 người đã tử vong. 
 
Tất cả những vụ án đau lòng trên đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn gia đình, vì chồng vợ không thuận hòa mà các con phải gánh lấy hậu quả khi người mẹ không kiểm soát được cơn tức giận.

 

Người mẹ này đã từng tự tay giết con mình và sự ân hận muộn màng không giúp cô vượt qua được bản án “lương tâm”. Ảnh: TL.
Người mẹ này đã từng tự tay giết con mình và sự ân hận muộn màng không giúp cô vượt qua được bản án “lương tâm”. Ảnh: TL.
 
Làm sao mong được cảm thông? 
 
Như đã nói, các vụ án gia đình luôn có phần đáng thương trong sự đáng giận. Tuy nhiên, dù phẫn uất hay bế tắc mà kết thúc cuộc sống của con thì những người mẹ ấy cũng khó nhận được sự cảm thông. 
 
Mâu thuẫn gia đình, cuộc sống không hạnh phúc với nhiều khó khăn trở thành nỗi ẩn ức bị dồn nén, nhiều cơn quẫn bách âm ỉ Song, lựa chọn con đường gây nên tội ác đối với con mình thì khó tha thứ được. 
 
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học từng nhận xét: Hành vi của người mẹ chỉ vì ghen tức với chồng đã đang tâm giết chết con mình rõ ràng là một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, không chỉ phải có những hình phạt nghiêm khắc mà dư luận phải lên án quyết liệt để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa hạn chế, tiến tới không để xảy ra những hành vi nêu trên.
 
Mẹ ra tay tàn độc với con mình là hành vi tội ác mà trong đó thiếu giáo dục về đạo đức; kiến thức về xã hội, kiến thức và ý thức về pháp luật rất thấp và không có kỹ năng sống cần thiết nên đã hành động rất bản năng. 
 
Giáo dục gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách con người. Bản thân những người làm cha làm mẹ không gương mẫu và chuẩn bị tâm lý vững vàng khi bắt đầu cuộc sống gia đình sẽ dễ dẫn đến sự khủng hoảng, thiếu  trách nhiệm đối với gia đình và giáo dục con trẻ trong gia đình sẽ không có. 
 
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, trưởng bộ phận chuyên môn, Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho rằng: Chúng ta dễ dàng nhận thấy điểm tương đồng của những sự việc trên chính là trình độ học vấn và môi trường sống của người phụ nữ. Tâm lý bị dồn nén, không tìm được sự trợ giúp và bế tắc trong giải pháp, cuối cùng, người phụ nữ chọn cách gây tổn hại chính mình và tổn hại cả những  đứa con mà mình sinh ra.
 
Theo PL&XH