leftcenterrightdel
Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN 

Đó là anh Ma Đình H. và Ma Doãn V., đều trú tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Hiện 2 bệnh nhân này trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, chiều 25/5, một con dê của gia đình bị chết, nên đã làm thịt, mời người thân đến ăn và chia phần cho gia đình của 2 bệnh nhân nói trên. Khi ăn xong, không ai có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, sau đó 1-2 ngày, có 3 người bị sốt, buồn nôn, đi ngoài, khó thở, tụt huyết áp.

Trong 3 trường hợp, nặng nhất là anh H. (34 tuổi), nên gia đình đẫ đưa anh vào BV đa khoa huyện Định Hóa để khám và điều trị. Đến sáng sớm ngày 27/5, anh H. được chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới của BV Trung ương Thái Nguyên với các dấu hiệu: Vật vã, kích thích, da xanh, niêm mạc nhợt, có nhiều nốt chấm xuất huyết rải rác toàn thân, không phù; được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm khuẩn.

Sau khi được điều trị, bệnh nhân có diễn biến phức tạp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, sốt liên tục, nên được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc điều trị tích cực, thở máy qua nội khí quản, dùng thuốc an thần, lọc máu liên tục.

Còn bệnh nhân V. (49 tuổi), nhập viện muộn hơn, nhưng cũng đều có các biểu hiện, cũng như diễn biến bệnh như bệnh nhân H. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 2 bệnh nhân đều mắc liên cầu lợn.

Một trường hợp khác đã được cho xuất viện sau khi điều trị tại BV tuyến huyện.

BV Trung ương Thái Nguyên cho biết, những người này đều không ăn tiết canh dê. Sau khi phát hiện dê mới chết, gia đình mang đi cắt tiết, nhưng đổ bỏ cùng với nội tạng,  chân, đầu,... chỉ lấy thịt. Các món thịt dê đều nấu chín.

Tuy nhiên, theo dự đoán của các bác sĩ, có thể trong quá trình chế biến, vi khuẩn còn lưu lại ở các dụng cụ, hoặc ruồi muỗi bám vào mang vi khuẩn theo, dẫn đến lây nhiễm sang người.

BV Trung ương Thái Nguyên cho biết, hằng năm, BV đều tiếp nhận những ca cấp cứu nguy kịch do ngộ độc thực phẩm, song nhiễm khuẩn liên cầu lợn vẫn được xem là yếu tố hàng đầu gây nên tử vong và biến chứng nặng nề.

Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân không nên giết mổ động vật ốm chết, không xử lý thịt động vật sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

Không ăn thịt động vật sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt động vật ốm, chết.

TB/Báo chính phủ