“Có sai sót hay tắc trách của đội ngũ y bác sĩ hay không còn chờ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn gồm các bác sĩ đầu ngành, có uy tín. Chúng tôi rất thấu hiểu trước những bức xúc của người nhà sản phụ vì tâm lý, khi đã đi sinh ai cũng mong muốn được “mẹ tròn con vuông” nên khó chấp nhận những tai biến trong sản khoa”, vị Giám đốc đang phải “đứng mũi chịu sào” trước “cơn bão” dư luận vì bệnh viện vừa xảy ra một vụ tai biến sản khoa, chia sẻ.

Mất con, kiện ngay... Giám đốc

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, trưa 16/3, sản phụ Mão được chồng đưa vào Khoa Sản BVĐK 2 Lâm Đồng để sinh. Đây là lần sinh thứ 2 của sản phụ, lần thứ nhất chị sinh thường nên được theo dõi sinh đường dưới bình thường. Tuy nhiên, đến sáng 17/3, chị Mão phải mổ cấp cứu để cứu mẹ, còn con gái của chị đã tử vong trong bụng mẹ.

leftcenterrightdel
Đơn khởi kiện Giám đốc bệnh viện của người nhà sản phụ Mão. 

Cho rằng kíp trực tắc trách nên sau khi sự việc xảy ra, chồng sản phụ đã làm đơn: “Khởi kiện Giám đốc BVĐK 2 Lâm Đồng vì đã để xảy ra tình trạng rất đau lòng. Trong đó, chính vì sự vô tâm, vô trách nhiệm trong cách làm việc của nhân viên ca trực cũng như đội ngũ bác sĩ phụ trách ca trực đã làm cho gia đình tôi vĩnh viễn mất đi đứa con đáng lẽ được ra đời mạnh khoẻ...”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ bệnh án thể hiện, sản phụ Mão nhập viện lúc 13h ngày 16/3, trong tình trạng bệnh tỉnh, thể trạng trung bình; dấu hiệu sinh tồn: Mạch 801/ph. HA 110/70 mmHg. T 370C; khung chậu bình thường, tim thai 140 lần/ phút, cổ tử cung lọt ngón tay, ngôi đầu, ối còn; siêu âm bụng: 1 thai sống ngôi đầu trưởng thành, nhau ối bình thường, P: 3150gram. Chẩn đoán: Thai 1001, > 39 tuần, ngôi đầu; chỉ định: Sinh thường và cho theo dõi dấu hiệu chuyển dạ.

Từ lúc nhập viện (13h00 ngày 16/3) cho đến lúc sản phụ phát sinh tai biến sản khoa (5h ngày 17/3), bệnh nhân được thăm khám 10 lần. Cụ thể, từ 15h – 1h sáng hôm sau, có 7 lần thăm khám với kết quả: Tim thai 140 lần/phút, tử cung go nhẹ; Từ 3h – 5h sáng ngày 17/3, khám 2 lần, kết quả: Tim thai 140 lần/ phút, tử cung go nhẹ, cổ tử cung mở 2cm, ối phồng.

Tai biến quá nhanh

Đến 5h50, khi sản phụ có dấu hiệu bất thường, nhận được phản ánh của người nhà, y tá lập tức khám thì thấy nhịp tim thai đột ngột xuống chỉ còn 40-60 lần/phút, tử cung co cứng, ối lẫn máu đỏ thẫm.

Nhận được tin báo, bác sĩ Vinh, trưởng kíp trực cùng bác sĩ Hằng (không trực đêm đó nhưng được người nhà bệnh nhân nhờ đến mổ theo dạng dịch vụ yêu cầu) chạy đến kiểm tra, vừa đặt đầu siêu âm vào bụng sản phụ đã phát hiện ngay hiện tượng nhau bong non, nên chỉ định mổ cấp cứu.

Nhận thấy nhau bong non diễn biến quá nhanh đã rời khỏi thành tử cung, dẫn đến chảy máu, nguy cơ rối loạn đông máu, tử vong con là điều không thể tránh khỏi nên các bác sĩ quyết định mổ ngăn chặn để giữ tử cung và cứu mẹ. Sản phụ được mổ lúc 6h20, bắt ra bé gái cân nặng 3200gram, APGAR: 0. Chẩn đoán sau mổ: Thai 1001, > 39 tuần, nhau bong non thể nặng, thai chết lưu.

Nhận định về ca tai biến này, Giám đốc BVĐK 2 Lâm Đồng, chia sẻ, chúng tôi rất lấy làm tiếc, nhưng vì diễn tiến của tai biến nhau bong non quá nhanh không thể can thiệp để cứu con của sản phụ được. Trong tình huống nguy cấp ấy, kíp trực đã quyết định mổ để giữ tử cung mẹ, cứu mạng sống của sản phụ.

Bác sĩ Thành lý giải, nhau bong non là 1 trong 5 tai biến sản khoa đặc biệt nguy hiểm vì không thể tiên lượng trước được và nguy cơ đe dọa tính mạng của cả sản phụ lẫn thai nhi. Đây là trường hợp nhau bị bong sớm trước khi thai nhi được sổ ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau. Khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi, gây tử vong cho thai nhi, đe dọa tử cung và tính mạng người mẹ do tình trạng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu.

leftcenterrightdel
 BVĐK 2 Lâm Đồng, nơi xảy ra vụ tai biến sản khoa.

Chỉ đạo “nóng”

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc BVĐK 2 Lâm Đồng, cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc, viện đã phân công y bác sĩ tập trung chăm sóc, đảm bảo sức khỏe của sản phụ; cử cán bộ tới chia buồn, động viên gia đình. Đồng thời, lãnh đạo viện cùng các phòng ban chuyên môn đã tổ chức họp “khẩn” với Khoa Sản để ghi nhận tình hình và kiểm điểm lại quy trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của kíp trực đối với trường hợp sản phụ Mão.

Qua đó, lãnh đạo bệnh viện cũng đã đưa ra một số chỉ đạo “nóng” để ổn định tình hình. Theo đó, tạm điều chuyển vị trí công việc của kíp trực, chờ kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn. Tạm dừng dịch vụ sinh theo yêu cầu của Khoa Sản để rà soát, xây dựng lại quy trình một cách hợp lý hơn. Đồng thời tiến hành các bước thành lập Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh để kiểm thảo tử vong, làm rõ ca tai biến sản khoa này.

Bác sĩ Thành phân trần, thời gian qua, viện phải chịu áp lực quá lớn vì phải “gồng gánh” một lượng lớn bệnh nhân của các huyện phía Nam tỉnh nhưng đội ngũ y bác sĩ đang thiếu hụt trầm trọng. Quy mô 450 giường bệnh nhưng viện đã phải kê đến 550 giường, trong khi chỉ có 80 bác sỹ.

Đơn cử như Khoa Sản, theo chuẩn bệnh viện tuyến tỉnh phải có 15 bác sỹ chuyên khoa, nhưng hiện chỉ mới có 5 bác sỹ có chứng chỉ hành nghề. Lật quyển sổ theo dõi của khoa, ông Thành đưa ra con số “chóng mặt”: Đêm xảy ra sự cố, Khoa Sản có đến 95 bệnh nhân, trong đó sinh thường 13 ca, sinh mổ 5 ca, còn lại là đã sinh và đang chờ sinh.

“Thực sự chúng tôi chịu rất nhiều áp lực mà chỉ những người làm trong nghề mới hiểu. Có những sự cố y khoa ngoài mong muốn, buộc lòng chúng ta phải chấp nhận và rất cần sự chia sẻ của dư luận, người bệnh và thân nhân. Đã làm nghề y thì ai cũng muốn kíp trực của mình suôn sẻ, ca phẫu thuật của mình được thành công”, bác sĩ Thành chia sẻ.

 Xây bệnh viện 7 năm chưa xong(?!)

Trước tình trạng quá tải và xuống cấp tại BVĐK 2 Lâm Đồng, năm 2011, tỉnh này đã đầu tư xây dựng một cơ sở mới trên 10ha tại phường Blao, TP. Bảo Lộc để thay thế.

Qua nhiều lần đội vốn, nghiệm thu “trầy trật”, đến nay dù đã 7 năm trôi qua nhưng người dân và đội ngũ y bác sĩ nơi đây vẫn phải “thèm thuồng” nhìn cơ sở mới khang trang nhưng chưa thể tiếp quản.

Tâm An – Thiên Lý