IRIN, trang tin của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, dẫn lời ông Arthur Erken, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Việt Nam cho hay: "Bất cứ ai mua bao cao su trên thị trường tư nhân hiện nay có nguy cơ mua phải bao cao su chất lượng thấp. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho gái mại dâm và khách hàng của họ, mà còn cả cho công chúng nói chung”.

 

 Theo UNFPA, thị trường Việt Nam đang tràn ngập bao cao su kém chất lượng.
Theo UNFPA, thị trường Việt Nam đang tràn ngập bao cao su kém chất lượng.


Theo các số liệu thống kê, trong những năm gần đây, việc sử dụng bao bao su ở Việt Nam đã tăng đáng kể, người dân Việt Nam mua bao cao su khá dễ dàng. Bao cao su được bán tự do tại các phòng khám, hiệu thuốc nhỏ, quán cà phê, hiệu massage và khách sạn.

Kristan Schoultz, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết: "Nếu bao cao su không có chất lượng tốt thì dù mọi người có sử dụng đúng cách thì các bệnh tình dục vẫn có thể lây lan”.

Các chuyên gia cho rằng việc tiêu chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng bao cao su đóng vai trò vô cùng quan trọng để ngăn ngừa HIV. Họ cảnh cáo việc lòng tin vào bao cao su bị xói mòn sẽ làm giảm kết quả của công tác tuyên truyền tình dục an toàn.

Theo IRIN, bao cao su bán tại các bệnh viện và phòng khám là do Bộ Y tế quản lý và được xác nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNFPA, khoảng 85% nguồn cung cấp bao cao su của Việt Nam là thuộc khu vực tư nhân, và 47% trong số đó không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đa phần là nhập từ Trung Quốc.

Chất lượng bao cao su được đo bằng "Giới hạn Chất lượng chấp nhận được" (AQL), trong đó bao gồm tiêu chí chịu đựng nhiệt độ, thời gian sử dụng, và khả năng giữ chất lỏng hoặc áp suất không khí.

Bao cao su không đáp ứng tiêu chuẩn AQL sẽ có những lỗ siêu nhỏ, có thể để lọt dễ dàng nước hoặc không khí, dẫn đến nguy cơ lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ông Erken cho hay: "Chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ mua bao cao su đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng thị trường tư nhân lại khác”.

IRIN cho hay, trước báo cáo trên UNFPA, chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn trong việc đảm bảo chất lượng bao cao su bằng cách chuyển bao cao su từ một "sản phẩm tiêu dùng" sang "thiết bị y tế" phù hợp với các quy định của WHO và UNFPA.

Theo các dữ liệu gần đây nhất, số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam giảm mạnh trong khoảng từ năm 2007 đến năm 2009 và ổn định ở mức khoảng 14.000 trường hợp mỗi năm trong năm 2010 và 2011, và tỷ lệ sinh ở trẻ vị thành niên giảm từ 31 trên mỗi 1.000 thanh niên ở độ tuổi dưới 19 trong 2009 xuống 29 trong năm 2013, thấp hơn đáng kể so với nước láng giềng như Lào (65) và Thái Lan (41).

Tuy nhiên, nếu trên thị trường Việt Nam đang tràn ngập bao cao su kém chất lượng, thì nguy cơ các bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng cao sẽ rất dễ xảy ra.

 

Theo Eva
 

.