Về cơ bản có 5 khái niệm giới tính - tình dục mà cha mẹ và thầy cô cần dạy cho một đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì để tránh những hiểu lầm hay ngộ nhận về giới tính.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, việc hiểu rõ kiến thức về các khía cạnh của giới tính - tình dục sẽ giúp trẻ nhìn nhận về bản thân một cách tích cực, chính xác và tránh những ngộ nhận về bản dạng giới của mình.
1. Giới tính (Sex)
Trong sinh vật học, giới tính là một quá trình kết hợp và pha trộn những đặc điểm di truyền học của sinh vật, thường dẫn đến kết quả là sự chuyên môn hóa thành giống đực (male) và giống cái (female).
Quá trình hình thành và hoàn thiện giới tính sinh học cần trải qua 4 bước nhịp nhàng, liên tục và thành công. 4 bước đó bao gồm: sự quy định sẵn có trong di truyền từ bố mẹ, sự khác biệt và trưởng thành của tuyến sinh dục, sự phát triển của cơ quan sinh dục ngoài, sự hoàn thiện ở não bộ và vùng hạ đồi. Quá trình này trên cơ bản vận hành bởi gene di truyền và yếu tố hormone sinh dục.
Trên thực tế, yếu tố di truyền gần như không được xác định trên 99% dân số nhân loại, giới tính sinh học của một người đa số được nhận định từ cơ quan sinh dục ngoài của họ. Theo đó, y học hiện nay chấp nhận việc xác định giới tính dựa vào đặc tính sinh dục nguyên phát (tuyến sinh dục và cơ quan sinh dục ngoài) và củng cố thêm bằng những đặc tính sinh dục thứ phát (bầu vú ở nữ, hệ lông râu, tạng và xương…). Những năm gần đây, cùng với sự hoàn thiện của phương pháp phẫu thuật chuyển đổi giới tính, việc xác định giới tính di truyền và việc tái xác định giới tính trở nên nhạy cảm và ngày càng được quan tâm.
|
Ảnh minh họa. |
2. Thể hiện giới (Gender role – gọi tắt là gender)
Thể hiện giới tính hay vai trò giới là một nhóm các chuẩn mực hành vi gắn liền với nam giới hay nữ giới được xã hội quy định và chấp nhận. Đây có thể là một dạng phân chia công việc, vai trò cũng như vị trí xã hội giữa nam và nữ.
“Nam giới là phái mạnh, phải đảm trách các công việc nặng nhọc, phải gánh vác gia đình, phải xung phong ra chiến trường…”, là vài ví dụ về khái niệm “nam tính”.
Hệ thống quy chuẩn về vai trò giới thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, sự phát triển của xã hội, và tồn tại như một sự khác biệt giữa các vùng địa lý, quốc gia, tôn giáo hay sắc tộc.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hành vi cụ thể của một cá nhân là kết quả của những quy tắc và giá trị do xã hội quy định kết hợp với những đặc điểm mang tính cá nhân như tính cách, nhận thức, quan điểm sống. Một số chuyên gia nhấn mạnh yếu tố hệ thống xã hội khách quan và các nhà nghiên cứu khác thì nhấn mạnh yếu tố thiên hướng, đặc điểm chủ quan.
Chính vì yếu tố cá nhân trong việc thể hiện giới, người ta đặt ra khái niệm - bản dạng giới (Gender identity).
Bản dạng giới, hay nhận dạng giới tính, là giới tính tự xác định của một người. Bản dạng giới không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là khuynh hướng tình dục.
Nhận thức giới tính có thể là nam, nữ, vừa nam vừa nữ, không phải nam không phải nữ… Đây chính là giới tính mong muốn của mỗi cá nhân, tồn tại trong suy nghĩ của chính họ.
Nhận thức giới tính khác với thể hiện giới tính (chẳng hạn một người đàn ông có giới tính sinh học là nam và ý thức mình là đàn ông nhưng có điệu bộ, cử chỉ và cách cư xử như phụ nữ - thể hiện giới tính là nữ tính). Không phải tất cả những người có giới tính sinh học khác với giới tính bản chất mà họ tự xác định đều thể hiện giới tính đó ra bên ngoài vì lý do xã hội hay những quy tắc xung quanh.
Khi thể hiện giới khác biệt so với bản dạng giới, người đó đối diện với sự mâu thuẫn nội tâm gay gắt, dai dẳng. Đây là vấn đề mà nhiều người đồng tính có thể gặp phải: sống và thể hiện theo đúng bản dạng giới mong muốn hay sống và thể hiện theo quy chuẩn mà xã hội và gia đình mong muốn.
3. Khuynh hướng tình dục (Sexual Orientation)
Khuynh hướng tình dục chỉ sự bị hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc về mặt tình dục bởi người khác một cách lâu dài.
Khuynh hướng tình dục thường được phân loại dựa trên giới tính của những người hấp dẫn mình. Về cơ bản khuynh hướng tình dục thường được nêu lên thành ba loại: dị tính luyến ái (heterosexual), đồng tính luyến ái (homosexual) và song tính luyến ái (bisexual).
Tuy nhiên, xét trong sự đa dạng tính dục, người ta nhận thấy khuynh hướng tình dục nằm trên một thang đo liên tục từ hoàn toàn dị tính luyến ái (chỉ bị hấp dẫn bởi người khác phái) cho đến hoàn toàn đồng tính luyến ái (chỉ bị hấp dẫn bởi người cùng phái) và bao gồm vài dạng song tính luyến ái khác (bị hấp dẫn bởi cả hai phái). Một dạng khuynh hướng khác đang có xu hướng gia tăng là vô tính luyến ái (Asexual), những người có khuynh hướng này về cơ bản không bị hấp dẫn tính dục với bất kỳ ai.
Khái niệm khuynh hướng chưa xác định (questioning) được dùng để chỉ những trường hợp chưa xác định một cách rõ ràng là họ đang muốn gì, và bị hấp dẫn tình dục với giới tính nào. Đây được xem là giai đoạn tạm thời trước khi đi đến một huynh hướng có tính ổn định.
Nhiều quan điểm cho rằng, khuynh hướng tình dục sẽ xác lập và bền vững sau độ tuổi dậy thì, khi trưởng thành, khuynh hướng tình dục ít khi thay đổi. Thực tế chứng minh rằng, tất cả phương pháp từng được áp dụng nhằm thay đổi khuynh hướng tình dục của một người là không hiệu quả. Y học hiện tại chỉ can thiệp trên các trường hợp người đó không chấp nhận khuynh hướng tình dục của mình một cách tiêu cực, thậm chí tự sát. Mặt khác trong một số trường hợp, nhà xã hội hay tâm lý học đều hướng đến sự chấp nhận khuynh hướng tình dục một cách tích cực.
4. Hành vi tình dục (Sexual Activities – Sexual Behavior)
Hành vi tình dục là tập hợp rất nhiều hành vi, động thái trong đời sống tình dục của một người nhằm đạt đến sự khoái cảm và thỏa mãn tính dục cho bản thân hay cho người mình thực hiện hành vi đó. Đó có thể là hành vi tự thân như thủ dâm, tự kích dục bằng phim ảnh… hay hành vi tương tác với người khác.
Hành vi tình dục là vô cùng đa dạng, phụ thuộc vào sở thích và trải nghiệm của bản thân cũng như sự kiểm soát hành vi ở mức độ cá nhân.
Mặc dù mục đích chung nhất là hướng đến sự thỏa mãn về mặt tính dục, mỗi người đều có quyền chọn lựa cho mình hành vi tình dục mong đợi. Tuy nhiên, có những hành vi tình dục được cho là vi phạm nguyên tắc đạo đức và luật pháp (cưỡng dâm, loạn luân, quan hệ với trẻ em…) và một số được xếp vào biểu hiện tâm thần (phô dâm, nghiện tình dục, quan hệ với xác chết…).
Thông thường khuynh hướng tình dục sẽ chỉ đạo và hướng dẫn cho hành vi tình dục. Song cũng không ít trường hợp vì những yếu tố trong cuộc sống, một người có thể có hành vi tình dục khác với khuynh hướng của mình.
5. Mối liên hệ giữa các khái niệm trong bức tranh đa dạng tính dục
Các khái niệm kể trên tạo thành một chỉnh thể về yếu tố tình dục trên một cá thể, và do vậy có mối liên hệ nhất định. Tuy nhiên, chúng có sự độc lập với nhau trong quá trình hình thành và thể hiện ra bên ngoài.
Ví dụ: Bản dạng giới và thể hiện giới tính có liên quan mật thiết đến khuynh hướng tình dục nhưng đây là những khái niệm khác nhau. Sự ý thức giới tính chỉ sự ý thức của chính cá nhân đó về giới tính sinh học của họ. Sự thể hiện giới tính chỉ các điệu bộ, cử chỉ, cách cư xử của cá nhân đó còn khuynh hướng tình dục thì liên quan đến sự tưởng tượng, mong mỏi, khao khát.
Chẳng hạn một người đàn ông có giới tính sinh học là nam và ý thức mình là đàn ông (ý thức giới tính là nam giới) nhưng có điệu bộ, cử chỉ và cách cư xử như phụ nữ (thể hiện giới tính là nữ tính). Người này đồng thời cũng có thể có ham thích tình dục với phụ nữ (khuynh hướng tình dục là dị tính luyến ái). Sau cùng họ có thể thực hiện hành vi tình dục với cả nam lẫn nữ. Đồng tính luyến ái nam là một ví dụ khác. Họ là nam với đầy đủ đặc tính sinh học của nam, họ nhận diện mình là đàn ông, cư xử như nam giới, nhưng lại bị hấp dẫn tình dục và có quan hệ tình dục với các nam giới khác.
Trên đa số dân số, các yếu tố này xâu kết thành một chuỗi liên tục có tính thuận chiều: từ giới tính sinh học đến bản dạng giới và thể hiện giới, khuynh hướng tình dục hành vi tình dục. Tuy nhiên, trong sự đa dạng tính dục, các yếu tố này lại tách rời và tổ hợp thành vô vàn những dạng thức tình dục, tạo nên cho mỗi cá thể một nét riêng biệt và duy nhất trong đời sống tình dục.
Mặt khác, quan điểm “giới tính 2 giá trị” (nam và nữ) đang ngày càng cho thấy sự lạc hậu và thiếu sót. Thay vào đó, quan điểm “giới tính theo dạng băng tần liên tục” đang ngày càng cho thấy sự ưu việt của nó, bởi ở đó, sự đa dạng tính dục được chấp nhận và tôn trọng như một thực tế khách quan.
Theo VnExpress