Gia cảnh khốn khó

Bà Vũ Thị Phin năm nay 68 tuổi và em gái là cô Vũ Thị Quyên 47 tuổi hiện đang sống tại cụm 8, thôn Hu Trì, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cô Quyên sinh ra trong một gia đình có 6 anh, chị, em; có 4 anh trai và bà Phin là chị gái, cô là con gái út. Gia đình cô trước đây làm ruộng, bố mẹ không may mất sớm, cô chuyển sang căn nhà cấp bốn bên cạnh nhà anh trai thứ của mình ở từ năm 1992 cho đến nay. Trước đây, cô Quyên cũng bình thường, hàng ngày vẫn ra đồng làm ruộng, mọi người còn khen cô đẹp, hồi trẻ nhiều người theo đuổi lắm. Đột nhiên năm 23 tuổi, cô bắt đầu có triệu chứng của bệnh tâm thần.

leftcenterrightdel
Bữa sáng hàng ngày của chị em bà Phin, Quyên

Bà Phin rơm rớm nước mắt kể: “Năm 1994, con Quyên bắt đầu phát bệnh. Một hôm đang đêm, nó tỉnh dậy lấy con dao đầu giường rồi bỏ đi. Tôi với em trai khi đó còn sống cầm đèn pin chia nhau đi tìm. Lúc tìm được thì thấy nó đang ngồi trong hiên nhà người ta. Từ đó trở đi nó cứ đi lang thang ngoài đường rồi lại vào bụi chuối, bụi cây ngồi.” Ít lâu sau, gia đình mang cô Quyên lên bệnh viện tâm thần Hải Phòng để chữa bệnh. Nhưng hai tháng sau, khi hết thời gian nằm bệnh, gia đình mang cô về tự chăm sóc.

Em dâu bà Phin là bác Nguyễn Thị Kiều (59 tuổi) nói rằng: Trước đây gia đình cũng  nghi là do vấn đề tâm linh nên cũng đi xem bói, mời thầy cúng về giải, đi khắp đền chùa kêu cầu nhưng cũng không được. Cô Quyên cứ đêm là phát bệnh một lần. Khi cô phát điên, đồ đạc trong nhà cô đập hết. Bà Phin ước tính một năm cô Quyên đập 25 cái đèn pin. Cái quạt và cái nồi cơm điện cô mới đập mấy hôm trước. May mà có người em trong miền Nam về mua cho cái quạt khác, còn cái nồi cơm điện thì đem đi nhờ hàng xóm sửa cho. Bát đĩa với phích cô Quyên cũng đập nhiều lần. Thế nên, lần về vừa rồi có người anh trai mới về mua cho một bộ bát sắt để cô đập khỏi vỡ. Những lúc cô Quyên phát bệnh, cô thường ấn chị vào tường rồi đánh. Bà Phin bị cô đánh gãy tay hai lần. Có lần cô lên cơn đánh bà hàng xóm chảy máu đầu, phải đi khâu mất sáu mũi. Nhưng người ta hiểu hoàn cảnh nên cũng thông cảm cho.

Chăm sóc em bị tâm thần suốt 30 năm

 Trước đây, bà Phin đã từng kết hôn một lần với một người đàn ông khác xã. Nhưng vì sống không hợp, nên bà bỏ về và từ đó sống với em gái. Cha mẹ mất sớm, anh trai và em trai đã lập gia đình, bà sống trong căn nhà cũ của bố mẹ, buồn nên em trai thứ của bà bảo bà và cô Quyên sống trong căn nhà bên cạnh của ông. Sau này, cô Quyên đi lấy chồng (lúc đó cô Quyên chưa mắc bệnh) bà sẽ ở căn nhà bên cạnh nhà ông cho có chị có em, đỡ tủi thân.

leftcenterrightdel

PV Báo BVPL cùng các nhà hảo tâm trao quà cho chị em bà Phin, Quyên 

 Từ đó, bà sống với em gái của mình cho đến khi cô mắc bệnh và cũng từ khi em gái mắc bệnh bà không nghĩ đến chuyện lấy chồng nữa mà ở vậy chăm em. “Vì thương nó mà tôi chả nghĩ đến chuyện lấy chồng nữa. Tôi mà đi lấy chồng thì ai chăm nó đây.” Bà Phin nói.

 Em gái mắc bệnh không làm lụng gì được nhiều, suốt ngày cứ đi thơ thẩn. Cũng có lúc bà Phin dẫn em đi ra đồng làm ruộng, chỉ cho cô làm nhưng cũng chẳng làm được là bao. Cô Quyên suốt ngày ra đồng đi đào trộm khoai của người ta, đi giật túi ni lông mà người ta che mạ, bẫy chuột. Người dân trong làng biết hoàn cảnh nên cũng không nói nhưng bà Phin lại rất khổ tâm.

 Gia đình cũng được coi là đông anh chị em nhưng anh cả bà Phin cũng đã già, gia đình làm ruộng nên cũng chẳng khấm khá. Người em thứ hai của bà Phin đã mất vì bệnh ung thư, nay em dâu mang bệnh tật trong người nên hoàn cảnh lại càng khó khăn. Bà Phin còn hai người em trai khác vào Nam làm ăn, sinh sống nhưng hoàn cảnh rất khó khăn. Vì ở xa nên hai người em cũng chẳng thể giúp chị và em gái được nhiều, thỉnh thoảng về quê cho chị ít đồng để đỡ đần cuộc sống khó khăn .

Chị em bà Phin sống nhờ vào 800 nghìn tiền trợ cấp của nhà nước  hàng tháng “Hôm con Quyên nó lên cơn, nó xé cái quyển sổ lĩnh tiền trợ cấp. Không có sổ thì người ta không cho lĩnh tiền. Thế là tôi phải lên xã xin người ta cấp lại, xã cũng hiểu hoàn cảnh nên họ làm lại cho.”

Bà Phin cũng đã gần 70 tuổi, sức khỏe ốm yếu dần nên bà cũng không chăm sóc được ruộng, lúa bị sâu bệnh nhiều không phát triển được. Với 800 nghìn là tiền trợ cấp trong đó 400 nghìn là tiền trợ cấp cho hai chị em không có nơi nương tựa, 400 nghìn là tiền trợ cấp cho cô Quyên bị mắc bệnh tâm thần. 800 nghìn ấy với bao khoản chi tiêu cả tháng của hai chị em nên cuộc sống rất cực khổ. Nhiều lúc, trong số 800 nghìn ấy bà Phin lại phải dành ra để lấy tiền mua lại những đồ đạc mà em mình trong lúc lên cơn đã đập “ Biết là lên cơn là nó sẽ đập nhưng không mua lấy cái gì mà dùng đây.” Bà Phin nói.

Cô Quyên, ngoài bệnh tâm thần phân liệt, mấy năm gần đây cô Quyên còn bị bệnh bướu cổ độ 4 đang phát triển rất nhanh, nên việc ăn uống cũng rất khó khăn.

 Bà Phin đến bây giờ vẫn có mong mỏi là đưa em đi chữa bệnh bởi tình trạng cô Quyên càng ngày càng nặng. Đã đi gần hết cuộc đời rồi, bây giờ nỗi lòng mà bà luôn đau đáu là không may bà mất sớm hay xảy ra chuyện gì thì ai sẽ chăm sóc em. Bà không thực sự muốn em đi trại vì bà biết vào đấy rồi thì sẽ không bao giờ đưa em về được nữa. Bởi vì ở nhà khi tỉnh táo cô Quyên vẫn còn có thể cảm nhận được tình chị em.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bệnh viện Kiến An trực tiếp mổ khối u bướu cổ độ 4 cho bà Quyên

Thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của chị em bà Phin, sáng 27/5/2018 phóng viên thường trú báo Bảo vệ pháp luật miền duyên hải Bắc bộ đã vận động Công ty Luật TNHH MTV Phúc Thịnh, Công ty CP Thương mại Eco, Công ty Vận tải Tùng Khánh và một số nhà hảo tâm trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh đến trao tặng gạo, mì tôm và 5 triệu đồng cho gia đình chị em bà Phin, Quyên. Phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật đã liên hệ với một số doanh nghiệp tài trợ kinh phí và Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng nhất trí giúp cho cô Quyên được phẫu thuật khối u bướu cổ.

Ngày 29/5/2018, Ban giám đốc Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng đã tiếp nhận, khám và tiến hành mổ khối u bướu cổ độ 4 cho chị Vũ Thị Quyên. Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc Bệnh viện Kiến An đã trực tiếp cùng với kíp mổ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho chị Quyên. Cùng ngày Công ty TNHH Accutech Việt Nam đã gửi đại phóng viên Báo BVPL thường trú miền duyên hải Bắc bộ trao tặng gia đình bà Phin 5 triệu đồng để bà Phin chăm sóc cho chị Quyên sau phẫu thuật.

Trao đổi với phóng viên Báo BVPL, Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Bá Phước, Phó giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Kiến An cho biết: Năm nào bệnh viện chúng tôi cũng tổ chức phát động đoàn viên làm từ thiện và công tác xã hội. Khi biết được hoàn cảnh của chị em bà Phin, bà Quyên tôi đã xin ý kiến ban Giám đốc Bệnh viện và đã nhất trí tổ chức phẫu thuật miễn toàn bộ cho bà Quyên. Theo lộ trình điều trị sau khi phẫu thuật từ 7 đến 10 ngày là chị Quyên có thể xuất viện. Rất may khối u này được phẫu thuật sớm, nếu để lâu sẽ thành ác tính thì rất nguy hiểm. Nó trèn vào cổ, thì bệnh nhân nuốt nước bọt cũng đau chứ chưa nói gì đến ăn uống hàng ngày…”

Văn Huyền - Quang Chiến