Cháu bé chưa được đặt tên, mới 2 tháng tuổi đã bị mẹ bỏ rơi, phó mặc cho người phụ nữ nghèo không quen biết. Số phận bé bỏng ấy đang rất cần sự quan tâm đùm bọc của cộng đồng.
 

 

Người phụ nữ nghèo đó không ai khác là bà Ngô Thị Vĩnh, trú tại khu dân cư Trà Khê I, Anh Dũng, Dương Kinh, Hải Phòng cho biết: Ngày 30/10/2012, bà có nhận trông bé trai 02 tháng tuổi, con của chị La Kim Cúc, 27 tuổi, quê ở Lạng Sơn. Khi đó, chị Cúc trọ ở một ngôi nhà gần chợ Trà Khê, phường Anh Dũng. Vì chị Cúc không có sữa nuôi cháu nên cháu ăn hoàn toàn bằng sữa ngoài. Chị Cúc giao cháu cho bà và đi làm xa. Hai tháng đầu, chị Cúc thỉnh thoảng về thăm con, mua sữa, bỉm cho cháu và trả tiền công cho bà. Đến tháng thứ ba, chị Cúc không về nữa. Tết Nguyên đán năm 2013, chị Cúc nhờ bạn trai gọi điện cho bà Vĩnh và nói: “Tết này, bà cho Bin ăn Tết với bà, mồng sáu Tết, Cúc về thanh toán cho bà”. Đến mùng 10 Tết, chị Cúc mới gọi điện về nói: “Con không thể nuôi được cháu nữa, bà xem ai xin bà cho hộ, con về ký giấy tờ cho, phải nhanh đấy, con đang làm thủ tục đi Đài Loan không thì không kịp đâu...”. Từ đó đến nay, chị Cúc bặt vô âm tín.

Ngày 25/4/2013, Cúc lại điện về nói: “Con sang Đài Loan rồi, bà không nuôi và cũng không cho được cháu thì bà mang cháu đến nhà ông Luân có con trai tên là Trụ ở khu vực Đồng Lẻo, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng trả hộ con”. Bà Vĩnh lần theo địa chỉ ở Đồng Lẻo tìm đến nhà ông Luân theo lời kể của Cúc thì được biết, con ông Luân đã đi làm ăn xa nhà từ lâu, ở nhà chỉ có ông Luân trên 70 tuổi mắt mờ, chân chậm, hoàn cảnh còn éo le hơn bà Vĩnh. Bà Vĩnh lại buộc phải đưa cháu Bin về nuôi...”.

Bà Vĩnh năm nay đã 54 tuổi, sức khỏe yếu lại không có bất kỳ nguồn thu nhập nào để nuôi sống bản thân, việc chăm sóc nuôi nấng một đứa trẻ còn bé bỏng, yếu ớt thực sự rất khó khăn.

Càng xót thương cho hoàn cảnh của cháu bé lại càng thêm giận cách hành xử của người làm mẹ như Cúc. Chính vì lối sống buông thả, quan hệ bừa bãi không lường trước hậu quả của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ ngày nay đã, đang làm tăng thêm những hoàn cảnh thương tâm như vậy?

Với mong muốn bé trai sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường tốt hơn, bà Vĩnh đã gửi thư đến nhiều cơ quan, tổ chức xin được cho cháu làm con nuôi trong gia đình có nhu cầu về con cái, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Chia sẻ với hoàn cảnh thương tâm của cháu bé, hy vọng cháu sẽ tìm được mái ấm gia đình mới, được phát triển bình thường như những em bé khác, Ban Biên tập báo Bảo vệ pháp luật xin tạo cầu nối giữa quý độc giả với cháu bé. Mọi sự quan tâm giúp đỡ hoặc nhu cầu nhận nuôi con nuôi của độc giả xin vui lòng liên hệ: Ủy ban nhân dân phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng hoặc phóng viên thường trú báo Bảo vệ pháp luật khu vực duyên hải Bắc Bộ, số 1 Bến Bính, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng.

Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Đỗ Đức Thời – Chủ tịch UBND phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng cho biết: Sau khi nhận được đơn của bà Ngô Thị Vĩnh, lãnh đạo xã đã tiến hành trao đổi, bàn bạc đi đến thống nhất mỗi tháng sẽ trích 500 nghìn đồng từ quỹ tình thương của xã giúp đỡ bà trong việc nuôi dưỡng cháu bé. Đồng thời, UBND xã Anh Dũng cũng hỗ trợ bà Vĩnh những thủ tục để tìm lại mẹ cho cháu bé hoặc hướng dẫn bà làm thủ tục cần thiết để cháu có được mái ấm gia đình mới tốt hơn trong trường hợp không tìm được mẹ cho cháu. Đây không chỉ là một tin vui lớn đối với riêng bà Vĩnh mà còn là một tin vui đặc biệt đối với cháu Bin.

Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 đối với người nhận nuôi con nuôi đáp ứng được các điều kiện: có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt. Người có nhu cầu nhận con nuôi chuẩn bị hồ sơ, nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nôi người nhận con nuôi thường trú và đăng ký việc nuôi con nuôi tại trụ sở của Ủy ban nhân dân xã.
 

Phương Linh - Quang Chiến