Trên 200 tỷ đồng "chung tay thắp sáng vùng biển đảo Cô Tô"
Cập nhật lúc 16:45, Thứ tư, 03/07/2013 (GMT+7)
Được khởi công vào tháng 11/2012, dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo và vận động Chương trình ủng hộ kinh phí đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô đã nhận được hơn 200 tỷ đồng trên tổng số 1.100 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư cho dự án này. Chủ đầu tư và nhà thầu cam kết đến hết tháng 9/2013, Dự án này sẽ hoàn thành.
Chương trình đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô có quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng với tổng chiều dài toàn tuyến là 58,3 km, trong đó tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển với tổng chiều dài 25,064 km đã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2012 dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2013. Đây chính là công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2013).
Với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo vận động Chương trình ủng hộ kinh phí đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, tính đến nay đã có hơn 200 tổ chức, cá nhân, kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung tay hưởng ứng, đăng ký ủng hộ kinh phí cho công trình với tổng số tiền lên đến hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, đã có 174 tỷ đồng được chuyển về tài khoản của Ban tổ chức. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam ủng hộ nhiều nhất với số tiền 150 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 10 tỷ đồng; Công an tỉnh Quảng Ninh 300 triệu đồng; Thành phố Cẩm Phả 1,6 tỷ đồng; các cơ sở thờ tự thuộc Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh trên 1,5 tỷ đồng...
Ông Phạm Quang Thái, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hầu hết các hạng mục công trình của dự án đang được triển khai tích cực. Nhiều người dân ở huyện đảo Cô Tô đã tự nguyện hiến đất tại một số điểm xây dựng tuyến cáp trên không và biến áp 110kV. Các tuyến cáp trên không và trạm biến áp 110kV từ Vân Đồn ra các đảo đang được các nhà thầu trong nước và Điện lực tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt. Việc kiểm tra chất lượng sản xuất cáp điện ngầm của nhà thầu nước ngoài đã được thực hiện rất tốt, dự kiến cuối tháng 7/2013, toàn bộ số cáp ngầm sẽ được vận chuyển về Việt Nam để lắp đặt. Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án hiện nay còn 2 điểm thực hiện chậm đó là phần đất của Trung đoàn 244 và Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả... Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung cao độ cho việc giải phóng mặt bằng và tìm mọi cách khắc phục những khó khăn trong việc kéo những tuyến cáp qua các núi đá hiểm trở. Các nhà thầu đều cam kết đến hết tháng 9/2013 sẽ hoàn thành xây dựng xong công trình trọng điểm này.
Quang Chiến - Thu Trang