Một bức tường đơn ngăn cách Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa với thế giới bên ngoài. Đằng sau bức tường ấy là tấm lòng của các y, bác sĩ đang cố gắng giúp bệnh nhân thoát khỏi bến mê.
 
 
Bác sĩ Đinh Thu Hồng – Trưởng khoa Nam 2, người đã gắn bó gần 20 năm với bệnh viện, tâm sự: “Ai mới vào nghề này, lúc đầu đều sợ hãi, nhưng sau một thời gian ngắn lại cảm thấy thương người bệnh. Với họ, mình phải có tình thương, sự đồng cảm sâu sắc thì mới chữa trị cho họ được…”.
 
Bác sĩ Hồng đang chăm sóc bệnh nhân Lê Như Thường, 29 tuổi, bị tâm thần phân liệt sau 1 tai nạn. Hôm đó chúng tôi gặp bà mẹ của Thường, bà Lê Thị Tỵ nhưng bà không thể vào thăm con: “Con trai của bác đó. Bác đi chăm nó nhưng không dám vào trong, chỉ đứng nép ở đây mà theo dõi. Cứ thấy mẹ là nó càng la hét, đập phá rồi đòi về nhà… Bác chỉ dám đứng đây, trăm sự nhờ bác sĩ”- bà nói
 
Được tận mắt chứng kiến việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần mới hiểu tấm lòng bác sĩ. Ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, họ còn phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân… Nhiều bệnh nhân đánh gẫy tay, sưng mặt, đe dọa các bác sĩ khi lên cơn kích động. Khi hỏi bác sĩ Hồng về chuyện này, chị tâm sự: “Những chuyện đó là có thật. Ban đầu chúng tôi thường sử dụng biện pháp tâm lý để thuyết phục, nếu không được mới sử dụng biện pháp trấn áp, sau đó cho bệnh nhân uống thuốc”.
 
Nhờ sự điều trị tận tình, đã có nhiều bệnh nhân thoát khỏi “bến mê”. Với những người còn lại, các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị, cảm hóa bằng tình người. Bởi theo họ, những bệnh nhân này đã “mất đi cái đầu” nên họ càng cần nhiều tình thương hơn nữa.
 
Theo Dân Việt