Tại TP.HCM, số tiền 2.000 đồng chẳng đủ để mua cốc trà đá hay gửi xe ở nhiều nơi, nhưng đến chuỗi quán cơm Nụ Cười giữa trung tâm Sài Gòn, người nghèo có thể mua được những bữa cơm đầy đủ 3 món, có kèm trái cây, ngon mà ấm lòng.

 


Nguồn tiền chi cho 6 chi nhánh mỗi tháng tiêu tốn đến 600 triệu đồng và số tiền này được gom góp lại từ nhiều nguồn ủng hộ trong đó có các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân. Nhưng, để có thể duy trì và hoạt động, quán cơm còn được sự giúp sức của nhiều tình nguyện viên, trong đó có các bạn sinh viên, du học sinh nước ngoài và những người có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Chưa khi nào nguồn thực phẩm bị thiếu hụt, thậm chí, nhiều khi thực phẩm dư ra được mang đi làm từ thiện ở các vùng nhưng giá cơm vẫn được giữ nguyên chứ không được bán giá thấp hay cao hơn.

Ông Nam Đồng, chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười 1, cho biết: “Giá cơm 2.000 đồng sẽ được giữ cố định đến nhiều năm sau. Số tiền đó không phải để thu lời mà để những người tới ăn cơm giữ được lòng tự trọng của mình, là mua cơm chứ không phải là ăn cơm miễn phí. Ngoài ra, với số tiền đó, họ sẽ có cảm giác mình vẫn là khách hàng để được phục vụ tốt hơn”.

Ông Nam Đồng còn chia sẻ: “Thật may mắn khi con người có tấm lòng nhân ái và chia sẻ. Trong thời gian làm quán cơm, tôi chứng kiến được nhiều câu chuyện. Có một chị làm giúp việc từ 6g sáng, 11g chị đến ăn đĩa cơm 2.000 đồng rồi sau đó lại đóng góp 20.000 đồng. Hoặc có nhiều người không có tiền đóng góp, thỉnh thoảng họ mang lại chai nước tương”.

“Khi mở quán cơm, với nguồn tiền từ các nhà hảo tâm và hoạt động vì người nghèo, chúng tôi cố gắng giữ được sự tin tưởng. Mà muốn có sự tin tưởng thì hoạt động phải công khai. Ai cho cái gì, mang đến bao nhiêu tiền thì đều được công bố trên website rõ ràng, có tổ chức kiểm toán minh bạch” - ông Nam Đồng cho biết thêm.

Giữa cuộc sống mưu sinh vất vả, dĩa cơm 2.000 đồng như một món quà thiết thực với những người nghèo. Đó là một bữa ăn ngon, ấm lòng và đầy những nụ cười.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.