Qua sáu năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng, một sự kiện hiến máu lớn nhất cả nước, được triển khai ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán đã khẳng định được vị trí, giá trị nhân văn của nó.
 


Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để bảo đảm nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh, trong một năm, mỗi quốc gia cần ít nhất khoảng 2% số dân tham gia hiến máu. Như vậy, Việt Nam cần trung bình khoảng 1,8 triệu đơn vị mỗi năm. Nhu cầu là vậy, nhưng theo thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN), năm 2013 cả nước tiếp nhận được 969.369 đơn vị máu, đạt 1,08% số dân tham gia hiến máu, mới đáp ứng hơn 50% nhu cầu máu. Trong khi đó, mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần được truyền máu vì mất máu do tai nạn, chấn thương, xuất huyết... cũng như do các bệnh gây thiếu máu, chảy máu, ung thư máu, suy tủy xương, máu khó đông...

Tình trạng khan hiếm, thiếu máu điều trị vẫn xảy ra tại nhiều thời điểm, nhiều vùng miền, trong đó phổ biến nhất là dịp hè, trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu T. Ư, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu máu trong dịp Tết là: đối tượng hiến máu hiện nay vẫn chủ yếu là học sinh, sinh viên (gần 70%), vì vậy đây là thời điểm sinh viên thi và nghỉ Tết dài ngày; các cơ quan, đơn vị và người dân tập trung nhiều vào các hoạt động tổng kết, khai xuân, du xuân. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại hiến máu đầu năm của một bộ phận người dân vẫn còn, vì vậy nhiều năm qua cứ mỗi dịp Tết đến thì mối lo thiếu máu lại thường trực không chỉ với các nhân viên y tế mà còn với những người bệnh cần truyền máu.

Năm 2008, để giải quyết tình trạng thiếu máu vào dịp sau Tết Nguyên đán, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội và Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội có sáng kiến tổ chức một sự kiện hiến máu đặc biệt nhằm thu hút một lượng lớn người dân, thanh niên, sinh viên tham gia. Sự kiện đó được lấy tên là Lễ hội Xuân hồng. Ngay lần đầu tổ chức đã tiếp nhận được hơn 2.600 đơn vị máu, lập kỷ lục về số lượng người cùng tham gia hiến máu. Từ đó đến nay, mỗi năm Lễ hội Xuân hồng đều được tổ chức với quy mô ngày càng lớn hơn, liên tục lập nên những kỷ lục mới về số người hiến máu trong một ngày. Không những thế, lễ hội này còn tạo được một sân chơi bổ ích cho những người đến tham dự, là nơi để giới trẻ được thỏa sức sáng tạo, được thể hiện tài năng của bản thân, được giao lưu kết bạn, vui chơi. Lễ hội đã có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội, xóa bỏ quan niệm đầu năm hiến máu thì cả năm không may mắn, thật sự trở thành lễ hội của lòng nhân ái với hoạt động đầy tính nhân văn, thể hiện nghĩa cử cao đẹp -hiến máu cứu người. Điều dễ nhận thấy nữa từ lễ hội đó là tinh thần nhiệt huyết của hàng vạn bạn trẻ, của các tình nguyện viên đến những người đăng ký hiến máu, và cả những người "hiếu kỳ" khi tìm đến đây, tất cả các gương mặt, ánh mắt đều rạng ngời niềm vui và tự hào.

Với thông điệp "Hiến giọt máu đào - Trao niềm hy vọng", Lễ hội Xuân hồng năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 16-2 tới đây, với quy mô lớn hơn, dự kiến tiếp nhận từ 6.000 đến 7.000 đơn vị máu để hưởng ứng "Năm tình nguyện quốc gia" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Điểm đặc biệt tại lễ hội năm nay, hơn 50 gia đình tình nguyện cùng góp mặt tại lễ hội, cùng nhau hiến máu, cùng tham gia các hoạt động, sự kiện và tham gia vận động người dân chung quanh Hà Nội hiến máu. GS, TS Nguyễn Anh Trí cho biết: "Lễ hội Xuân hồng đã vượt qua mục tiêu có nhiều máu cho người bệnh, nó còn là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho tất cả mọi người khi đến với lễ hội. Mục đích của lễ hội năm nay là nhằm tiếp tục khuyến khích, cổ vũ cộng đồng hiến máu tình nguyện, từng bước thay đổi tâm lý e ngại hiến máu đầu năm trong một bộ phận người dân.

Từ ý nghĩa và giá trị nhân văn mang lại, Lễ hội Xuân hồng không chỉ dừng lại ở phạm vi Hà Nội mà đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2010, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã phát động rộng rãi tới hầu khắp các địa phương trên toàn quốc thông qua "Chiến dịch vận động hiến máu dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng". Năm 2014 có 30 tỉnh, thành phố hưởng ứng, nhiều địa phương tổ chức với quy mô lớn cấp tỉnh như: Bắc Giang, Hà Nam, Đác Lắc, Thừa Thiên - Huế... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Hồng Nga (một trong những địa phương đã tổ chức thành công ba kỳ lễ hội) cho biết: Cùng với Lễ hội Tịch điền, Lễ hội Phát lương, Lễ hội Xuân hồng trở thành một trong ba lễ hội lớn ngay sau Tết ở tỉnh Hà Nam. Hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều quan tâm, chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ và các ban, ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức chuỗi ngày hội Xuân hồng trên toàn tỉnh.

Lễ hội Xuân hồng đã dần đi vào lòng người, trở thành một sự kiện nhân ái đầu năm không thể thiếu trong tâm thức của những người dân. Việc tổ chức thành công lễ hội đã tạo ra một cú huých cho phong trào hiến máu nhân đạo. Đồng thời là đợt tập dượt để tổ chức tiếp nhận máu lớn, đề phòng có thảm họa lớn xảy ra. Nhiều nước trên thế giới đã rút ra kinh nghiệm, những lúc thảm họa xảy ra không thiếu người hiến máu nhưng khó nhất là tổ chức tiếp nhận thế nào để không lộn xộn cũng như không xảy ra sai sót. Thành công này không chỉ được toàn xã hội công nhận mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá về tính chủ động, sáng tạo, khả năng tổ chức một lễ hội hiến máu chuyên nghiệp.
 

Theo Nhân Dân

.