Ông Hồ Văn Thỏ năm nay 81 tuổi, quê ở thị trấn Cái Dầu (Châu Phú). Vợ là bà Lê Thị Nhánh (79 tuổi), quê ở huyện Phú Tân. Vợ, chồng ông Thỏ sinh được 6 người con. Khi còn trẻ, vợ chồng làm lụng vất vả để nuôi con. Hoàn cảnh gia đình nghèo, ông Thỏ phải đi làm mướn, chạy xe lôi, bán bánh lọt, bán gạo và nhiều nghề khác.
 
“5 năm trước đây, hoàn cảnh của gia đình quá khổ, UBND xã đã cấp sổ hộ nghèo. Lúc đó, anh Hồ Văn Út chưa bị bệnh và là lao động chính trong gia đình. Anh Út làm nghề phụ hồ, mỗi ngày kiếm được 140.000 đồng. Hơn 3 tháng nay, anh bất ngờ đổ bệnh. Anh bị đau bao tử, phải nằm bệnh viện dài ngày để mổ và điều trị, hoàn cảnh gia đình vốn đã khốn khó, nay càng khó hơn…” - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú (Thoại Sơn) Phạm Ngọc Quý chia sẻ.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cùng chính quyền địa phương đến thăm, động viên gia đình ông Thỏ
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cùng chính quyền địa phương đến thăm, động viên gia đình ông Thỏ
 
Hiện vợ, chồng ông Thỏ đang nuôi 2 người con tật nguyền. Ngoài anh Út bị bệnh, vợ, chồng già còn phải nuôi con trai út tên Hồ Văn Nghe (28 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam. 28 năm qua, anh sống cuộc đời “thực vật”, chẳng biết nhận thức sự vật, hiện tượng quanh mình. “Tôi bị bệnh tim mạch. Vợ tôi bị suy tim độ 3 và đã chết. Hai người con sống chung, đứa bệnh bao tử, đứa thì bị nhiễm chất độc da cam. Cả nhà 4 người đều bị bệnh, không ai làm ra tiền, sống nhờ tình thương của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm…”- ông Thỏ tâm sự.
 
Mùa mưa năm 2013, gia đình ông Thỏ thường xuyên “trắng đêm” vì nhà bị dột. Lúc này, chính quyền địa phương đã vận động cất cho ông 1 căn nhà Tình thương (diện tích 36m2). Có được nơi ở nhưng nhà lại thiếu gạo ăn, thông qua chương trình “Nắm gạo tình thương” của UBND xã đã vận động Ban Trị sự PGHH địa phương, giúp gia đình ông mỗi tháng 10kg gạo, đồng thời liên hệ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện làm thủ tục để anh Nghe được hưởng chính sách.
 
“Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện phối hợp UBND xã đã lo cho gia đình một cách đầy đủ. Tuy nhiên, do 4 người trong gia đình đều bị bệnh nặng nên số tiền trên không thấm vào đâu…”- Chủ tịch UBMTTQ xã Tây Phú Lê Vinh chia sẻ.
 
“Đây là một trong nhiều gia đình nạn nhân bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 156 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, chúng tôi đang cùng chính quyền địa phương tập trung lo cho họ. Do ngân sách địa phương có hạn nên rất cần sự giúp đỡ của bà con gần xa giúp gia đình vượt qua khó khăn…”-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phùng Văn Sang kêu gọi.
Theo Phan Hiển (Báo An Giang)