Hàng loạt vụ ăn xin, đặc biệt mang cả trẻ nhỏ ra làm "đạo cụ" để diễn bị phanh phui. Nhưng ăn xin vẫn có đất sống, do sự "tốt đều còn hơn xấu cả" của chính chúng ta. 
 
 
Cùng đồng tình với quan điểm đó, chị Đỗ Mai Hương tâm sự: “Là một người mẹ, tôi luôn xót xa trước cảnh một phụ nữ ôm con đi ăn xin. Tôi thương cho họ và nghĩ, chắc là con nhỏ quá, trình độ không có, họ phải bế con đi ăn xin. Tôi thương họ thì ít mà thương đứa trẻ thì nhiều nên thường bố thí hậu hĩnh hơn. Nhưng đến khi biết bí ẩn kinh hoàng đằng sau hình ảnh những bà mẹ bế con ăn xin, tôi thấy đắng cả miệng. Giờ mới nhớ, hình như rất ít khi mình bắt gặp đứa bé nào tỉnh táo, lúc nào cũng thấy nó ngủ, hóa ra là người ta cho trẻ con hít ma túy và nốc rượu để ngủ li bì suốt cả ngày, để ngồi cùng một chỗ với họ suốt cả ngày. Xót xa hơn là nếu đứa nào chết vì sốc rượu và ma túy, ngày mai người ta thay đứa mới... Tôi thấy niềm tin và lòng thương của tôi bị lợi dụng. Tôi không muốn là kẻ thờ ơ và vô cảm, nhưng cũng không muốn lòng thương hại của mình sẽ giết hại những em bé như vậy”.  
 
Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng, không nên đo đếm lòng tốt, dù có đầy rẫy những trò lừa đảo. Họ biện luận: “Làm sao biết được đâu là giả, đâu là thật? Lòng thương yêu, nếu cứ phải đem ra so đo, lâu dần nó cũng sẽ chai sạn. Dẫu sao cũng không nên vô cảm trước cuộc sống. Nếu gặp người có hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ, tôi thấy rất áy náy. Dù biết có thể mình giúp đỡ cho kẻ lừa đảo, nhưng thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót; nếu mình chỉ lo bị lừa mà không tương trợ những trường hợp thực sự khó khăn thì quả là tội nghiệp, và mang tội với họ”.
 
Cho hay không cho tiền ăn xin, đó là chọn lựa của bạn, nhưng đừng quên, khi ta nghĩ mình đang làm phúc, rất có thể ta đang rước tội.
 
Theo Afamily / PLXH
.