Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (BTT-TT) cho biết, một trong những nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay là cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng của các phóng viên, biên tập viên - những người làm công tác truyền tải chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.

leftcenterrightdel

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Hải Tường)

Vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị.  Ảnh: Hải Tường

Trong thời đại công nghệ số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội đã trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, ông Hải cho biết thêm.  Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng viết bài tuyên truyền về nhân quyền cũng đóng vai trò then chốt. Một bài viết có sức thuyết phục không chỉ đòi hỏi kiến thức sâu rộng về chủ đề mà còn cần kỹ năng truyền đạt, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và khả năng kết nối với độc giả. Do đó, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đào tạo, tập huấn cho các phóng viên, nhà báo và các cán bộ truyền thông là hết sức cần thiết để họ có thể viết ra những bài viết chất lượng, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng trong lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
 PGS-TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày Chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Hải Tường

Tại Hội nghị, PGS-TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày Chuyên đề: "Thành tựu bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam". Ông Kiên nhấn mạnh quyền con người là một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Bảo vệ quyền con người chính là bảo vệ hạt nhân quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người thể hiện sự bình đẳng của tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội, không phân biệt đối xử chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo… Bản chất tự nhiên con người có sự bình đẳng, không phải là sự cào bằng mà là phổ biến. Quyền con người là tự nhiên, vốn có. Vì vậy, các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tuỳ tiện mà phải dựa trên cơ sở quy định rõ ràng của pháp luật, quyết định bởi chủ thể có thẩm quyền.

Theo ông Kiên, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định rõ ràng, cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… của con người đều được thể chế hoá bằng các quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về quyền con người, Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người.

Đối với phóng viên, biên tập viên, PGS-TS Kiên đề nghị phải thường xuyên tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Luôn phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân.

P.V