Lấy chồng từ thuở mười ba
Huyện miền núi Khánh Vĩnh có dân số khoảng 37.000 người, trong đó có trên 74% là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc: Êđê, Raglai, Tày, Nùng, Cơ Ho... Dù đời sống văn hóa tinh thần và dân trí của đồng bào đã được cải thiện, nhưng nhiều hủ tục, quan niệm cũ vẫn âm ỉ tồn tại trong cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, nạn tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối và phổ biến với những cặp vợ chồng… trẻ con, tuổi đời chỉ mới 14, 15 tuổi, thậm chí thấp hơn.
|
|
Đói nghèo và vấn nạn tảo hôn đã ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây |
Em Cao Thị Liễu, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam chỉ mới 16 tuổi nhưng đã là mẹ của hai đứa con. Đang ở tuổi ăn tuổi học, nhưng Liễu đã tay bồng tay bế. Trong vai trò người vợ, người mẹ, tất nhiên Liễu không thể học hành và không có tuổi thơ đúng nghĩa. Liễu kể, năm 13 tuổi “yêu”, năm 14 tuổi “bắt” chồng. Cũng năm 14 tuổi sinh đứa con đầu lòng. Năm sau, sinh bé thứ hai. Chồng Liễu chỉ hơn Liễu hai tuổi. Càng khó, khi gia cảnh của hai bên nội ngoại đều khó khăn. Riêng Liễu, nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, em không có ai lo lắng, chỉ bảo. Để có cái ăn cho gia đình nhỏ và lo cho hai con, khi con cái mới chỉ vài tháng tuổi, hai vợ chồng Liễu đã phải gửi con cho bà nội, đi làm thuê. Cuộc sống bữa no bữa nói, bấp bênh như công việc của họ. “Lấy chồng sớm khổ quá. Giá như em được ai can ngăn”- Liễu ngậm ngùi.
Em Cao Thị Đệm, trú cùng thôn Hòn Dù với Liễu, là một trường hợp tảo hôn khác. Bỏ học từ sớm, năm 16 tuổi theo sự sắp đặt của gia đình, em đã “bắt chồng”. Chồng em là một thanh niên cùng xã. Giờ, Đệm 20 tuổi là mẹ của hai đứa trẻ, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 13 tháng tuổi. Giống hoàn cảnh của Liễu và cũng như tình trạng của nhiều cặp vợ chồng “trẻ con” khác ở địa phương, vợ chồng Đệm thất học, không công ăn việc làm, cuộc sống thiếu thốn, tạm bợ. Hai đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc, không được ăn uống đầy đủ, chúng đều bị suy dinh dưỡng, bụng ỏng đít beo…
Theo báo cáo của Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2011 đến năm 2015, địa phương có 146 trường hợp tảo hôn, trong đó có 2 trường hợp có chồng khi 13 tuổi, 3 trường hợp có chồng lúc 14 tuổi, 16 trường hợp có chồng khi 15 tuổi. Hơn 120 trường hợp khác khá hơn, có chồng khi 16 và 17 tuổi. Cũng theo báo cáo trên, năm 2016, huyện Khánh Vĩnh có 2.547 thai phụ trong diện quản lý chăm sóc, trong đó có 147 thai phụ ở tuổi vị thành niên.
Nguyên nhân từ đâu?
Trao đổi về vấn đề tảo hôn tại địa phương, ông Huỳnh Công Nhân- Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Khánh Vĩnh, cho biết: Tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là với đồng bào Êđê, Raglai, Cơ Ho... Vấn nạn này đã và đang là gánh nặng cho xã hội, hệ lụy của nó có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến mọi mặt của đời sống, văn hóa - xã hội ở địa phương.
Về nguyên nhân, ông Nhân cho hay, hủ tục tảo hôn vẫn còn nặng trong tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng các em, các cháu yêu nhau khi còn rất nhỏ, rồi mang bầu và cứ thế về sống chung với nhau, chẳng cần cưới hỏi.
Ông Nguyên Minh Tùng - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Khánh Vĩnh, thông tin: Một số thiếu niên hiện nay ở Khánh Vĩnh, do tâm sinh lý phát triển sớm, cùng những ảnh hưởng từ mặt trái của xã hội, từ phim, ảnh - internet, cùng sự nơi lỏng của gia đình nên đã yêu đương sớm, rồi “quan hệ”, mang thai ngoài ý muốn. Trong khi đó, việc thực thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng lại gặp không ít trở ngại. Phần lớn những người vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình của địa phương ở độ tuổi thiếu niên, mới 15, 16 tuổi, là người đồng bào dân tộc. “Theo Luật, nhẹ xử phạt hành chính, nặng thì khởi tố vụ án, nhưng họ nghèo quá lấy gì nộp phạt; khởi tố vụ án cũng không phải dễ… Nhiều trường hợp, sau một thời gian chung sống có con, có tài sản nảy sinh mâu thuẫn bỏ nhau, Tòa cũng khó thụ lý, xét xử vì các đối tượng không có đăng ký kết hôn” - ông Tùng chia sẻ.
PV
Ông Huỳnh Công Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Khánh Vĩnh: “Mình có đến tuyên truyền, giải thích nữa cũng là chuyện đã rồi, chẳng ngăn các cháu được. Một số trường hợp tảo hôn lại là do cha mẹ sắp đặt, cũng có khi là do một số đối tượng tự nguyện. Thế nhưng, đa số khi kết hôn các em lại không biết là mình vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp tuyên truyền cho các cháu hiểu nhưng tình trạng này vẫn cứ âm thầm diễn ra”. |