Ngoại tình vì "hoàn cảnh xô đẩy" - lối thoát ngay ngõ cụt?
Cập nhật lúc 23:51, Thứ năm, 19/11/2015 (GMT+7)
Cuộc sống bận rộn với nhiều lo toan và các sở thích cá nhân khiến nhiều người "bỏ quên" vợ (chồng), đẩy bạn đời đến chỗ tìm kiếm sự "bù đắp" cảm xúc. Nhưng ngoại tình không xoa dịu được vết thương lòng, không thể hàn gắn những khoảng trống trong hôn nhân. (vợ chồng, ngoại tình, ly hôn, hôn nhân)
Cuộc sống bận rộn với nhiều lo toan và các sở thích cá nhân khiến nhiều người “bỏ quên” vợ (chồng), đẩy bạn đời đến chỗ tìm kiếm sự “bù đắp” cảm xúc. Nhưng ngoại tình không xoa dịu được vết thương lòng, không thể hàn gắn những khoảng trống trong hôn nhân.
Cơ chế “bù đắp”
Bà Nguyễn Hồng Mai - giảng viên về văn hóa gia đình (Đại học Văn hóa, Hà Nội) nhận định, dù chưa có thống kê nhưng mọi người đều cảm thấy “căn bệnh” ngoại tình ngày càng nặng. Thậm chí, ngoại tình không chỉ là cơn “say nắng” bất chợt, không thể kiềm chế được mà không ít người chủ động tìm mối quan hệ bên ngoài để thêm “hứng khởi”, để tâm trạng đỡ chán ngán, về nhà với gia đình cũng đỡ ức chế hơn.
Theo bà Mai, dù ngoại tình ở hoàn cảnh nào thì cũng không khiến mọi người cảm thấy tự hào, vui vẻ. Sau cơn say, người ta sẽ mệt mỏi thậm chí xấu hổ vì cảm giác yêu đương vụng trộm, giấu giếm. “Không ít người sẽ đặt câu hỏi: tại sao không tìm cách khắc phục, hàn gắn tình cảm vợ chồng mà lại phản bội, khổ bạn đời mà mình cũng chẳng sung sướng gì? Nhưng rõ ràng việc “tìm cảm giác” bên ngoài dễ dàng hơn nhiều “hâm lại” ngọn lửa đã lụi tàn, các thói quen nhàm chán trong gia đình” - bà Mai cho biết.
Cũng chung quan điểm này, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Hà Nội) cho rằng: “Ngoại tình thực hiện chức năng bù đắp”. Bởi vì, người ta thường tìm đến nơi mà cái tôi cá nhân của họ được vuốt ve, tán dương. Chị ta tỏ ra biết thông cảm với những vấn đề đang làm đau đầu người tình, tìm cách động viên, giúp đỡ anh ta, khiến anh ta tin rằng bản thân anh ta có nhiều ưu điểm hơn thiếu sót. Còn anh ta sẽ làm cho người đàn bà bình thường (đôi khi tầm thường) trong mắt người chồng, cảm thấy mình là người đàn bà xinh đẹp, đáng yêu, anh ta lắng nghe, trân trọng mỗi lời, mỗi việc làm của chị ta. “Đó là những khoảng trống (thường biến mất sau hôn nhân) luôn khiến người ta khát khao được lấp đầy. Tất nhiên khát vọng là một chuyện còn việc phải tuân theo Luật “một vợ một chồng” lại là chuyện khác. Giống như việc người ta thích đến đích nhanh nhưng phải tuân thủ luật “đèn đỏ dừng lại” để tránh phạm luật, tránh tai nạn thương tích” - ông Đoàn khẳng định.
“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu thủy chung trong quan hệ vợ chồng là sự nhàm chán, buồn tẻ, khô cứng. Do đó, ngay từ khi yêu nhau, nam nữ đừng quá kỳ vọng vào một hạnh phúc như trong “cổ tích”: hai bên yêu thương nhau nồng nhiệt đến cuối đời. Theo thời gian, cảm xúc mãnh liệt sẽ vơi đi nhưng tình nghĩa vợ chồng sẽ dày thêm. Vợ chồng sẽ gắn kết với nhau bằng trách nhiệm với gia đình, con cái. Mỗi người đều phải cố gắng làm mới mình trong mắt bạn đời, để luôn được yêu thương và tôn trọng. Điều này thật khó nhưng nếu nỗ lực mỗi ngày, tự khắc bạn biết quý trọng bản thân và hôn nhân, không dễ dàng chạy theo những cám dỗ...” - chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.
Theo An ninh thủ đô
.