Theo Trần triều hiển thánh (1900), truyền thuyết ghi lại ở thời  Nguyễn, thì Trần Quốc Tảng đóng quân ở Vườn Vải, thôn Trắc Châu, tổng An Châu, huyện Thanh Lâm, rồi mất tại đó, có để lại một phiến đá và một cái mũ đá làm “di vật”. Theo sách Đền Miếu Việt Nam xuất bản gần đây, tỉnh Quảng Ninh chỉ có một ngôi đền có tên trong sách là đền Cửa Ông và về lai lịch Trần Quốc Tảng, cũng viết là ông đã “hoá” (mất) trên cái phiến đá đó.
 
Lăng Trần Quốc Tảng tại đền Cửa Ông. (Ảnh minh họa)
Lăng Trần Quốc Tảng tại đền Cửa Ông. (Ảnh minh họa)
 
Một số nhà viết sử đã có nhầm lẫn đáng tiếc khi cho rằng thôn Trắc Châu, tổng An Châu, huyện Thanh Lâm, nay là phường Cẩm Phú, Cẩm Phả. Từ nhầm lẫn này dẫn đến những nhầm lẫn khác, như có người đã viết là Trần Quốc Tảng đóng quân ở Cửa Ông để bảo vệ vùng Đông Bắc, rồi dẫn quân ngược nước đánh trận Bạch Đằng từ ngoài hàng cọc Bạch Đằng. Thậm chí có người còn viết cụ thể hơn là Trần Quốc Tảng và Trần Quang Khải dàn thuỷ quân trên Vịnh Hạ Long, để nếu quân Nguyên vượt qua được hàng cọc Bạch Đằng thì sẽ bị đánh tan ở đây theo sự bố trí trận địa của Trần Hưng Đạo(!).
 
Về cái chết của Trần Quốc Tảng cũng vậy, có người đã viết lại truyền thuyết kể rằng: Một chiều, Trần Quốc Tảng ngồi buồn bên biển, thấy có phiến đá nổi trước mặt ở Cửa Ông, bèn bước lên và “hoá” luôn trên đó... Thậm chí người ta còn thêu dệt là Trần Quốc Tảng uất ức vì cha bắt đi đày, đã thắt cổ trên cây và chết tại khu Đền Cửa Ông ngày nay. Dây thừng đứt, ông rơi xuống, dân thương quá, bèn vào làng tìm gỗ đóng quan tài, khi ra thì mối đã xông lên thành mộ, to như một cái đống, chính là nơi được coi là Lăng mộ Trần Quốc Tảng phía sau Đền…
 
Bây giờ thì ai cũng biết đó là những tưởng tượng rất phong phú của dân gian, thể hiện lòng yêu kính của nhân dân đối với Trần Quốc Tảng. Thực ra, địa danh Vườn Vải là ở làng Trắc Châu, xã An Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Dương). Trên tấm Bản đồ tỉnh Hải Dương được người Pháp lập ra năm 1888 và trong sách Tên các làng xã Việt Nam từ thế kỷ XIX về trước, xuất bản năm 1819 ở thời Nguyễn, đều ghi rõ như vậy.
 
Về phiến đá và cái mũ đá mà theo truyền thuyết là “di vật” của Trần Quốc Tảng, theo Lê Mậu Cường, Nguyễn Hữu Phách và Nguyễn Văn Đức trong sách Chuyện cổ Nam Sách, hiện vẫn còn ở trong một cái giếng tại làng Trắc Châu. Và mới đây, ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, khi gặp tôi, đã cho hay: Sau khi cho người khảo sát thì phát hiện nó (phiến đá và mũ đá) vẫn còn ở trong một cái ao, chứ không phải trong giếng. Chính ông Mậu đã lội xuống tận nơi, đo cái phiến đá đó bằng tay mình và thấy kích cỡ đúng là dài 6 thước 4 tấc, rộng 2 thước 3 tấc như truyền thuyết đã ghi… Điều này cũng có thể lý giải được vì ở huyện Thanh Lâm (Nam Sách) trước đây, trong mỗi làng đều có ít nhất một cái “ao”, không ai được tắm rửa, giặt giũ, để lấy nước ăn, gọi là “giếng”. Hiện nay, các nhà đều có bể nước mưa và giếng khoan, nên các giếng làng đều biến thành… “ao”. Từ đó mà cái phiến đá và cái mũ đá, tương truyền là “di vật” của Trần Quốc Tảng, trước ở trong “giếng”, nay ở trong “ao”, như Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương nói, cũng không có gì khó hiểu.     
 
Phát hiện này càng củng cố thêm cho ý kiến mà có lần tôi đã đề cập, rằng Trần Quốc Tảng không mất tại Cửa Ông, cũng như thôn Trắc Châu, tổng An Châu không phải ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Điều này không những không làm giảm đi giá trị văn hoá của đền Cửa Ông, mà càng cho thấy cuộc đời và chiến công của Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng đã có ảnh hưởng sâu rộng thế nào trong dân gian và nó chỉ có ảnh hưởng tốt hơn cho việc thờ vọng ông tại đền Cửa Ông mà thôi.
 
Theo Báo Quảng Ninh