Khi những bức ảnh khỏa thân, những clip ân ái của những cô cậu… trẻ măng bị tung lên mạng thì đáng lý người phải chịu những lời dè bỉu, châm chọc và xấu hổ phải là nhân vật chính của bức ảnh, clip đó... Nhưng nhìn vào những vụ việc gần đây mới thấy, chính các nạn nhân ấy là người đồng ý chụp, quay lại, thậm chí là... phát tán đi. Những câu chuyện tương tự không còn hiếm nhưng vấn đề nằm ở chính nhận thức của các cô cậu tuổi nổi loạn này.

Luật sư cũng khó… gỡ rối

Từng tham gia giải quyết nhiều vụ việc nhưng luật sư Dũng lại không ngờ một ngày nào đó mình lâm vào thế khó xử, khi “khách hàng” nhờ lại là ông bạn thân. Anh Dũng kể lại: “23g, điện thoại của tôi réo inh ỏi, đầu dây bên kia là giọng ông bạn thân van nài: “Ông phải cứu gia đình tôi… giờ bà già đang ngất lên ngất xuống, ông già đòi đốt sách vở… con Lan (em gái) khóc thút thít, còn tôi chẳng biết xử trí ra sao nữa”. Chắp nối câu chuyện tưởng không đầu không đuôi của bạn, tôi không khỏi giật mình khi biết cô em gái đang học cấp 3 của nó mấy hôm nay bị bạn trai tung ảnh “nóng” lên mạng. Ảnh rõ cả mặt và những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Người phát hiện ra sự thật này lại là cô em họ, giờ đây câu chuyện không chỉ là vấn đề trong nội bộ gia đình nữa mà cả họ hàng thường xuyên điện thoại hỏi sao lại có chuyện như thế, ngày thường con bé ngoan lắm cơ mà.

8g sáng hôm sau, ông bạn dẫn theo cô em gái tới gặp tôi và yêu cầu phải gặp được cái thằng bạn trai đểu cáng kia để cho nó một trận, làm đơn gửi cơ quan tố tụng khởi tố hay chí ít cũng bắt nó ngừng tung ảnh con bé. Ngồi bên cạnh ông anh đang hùng hồn muốn ăn tươi nuốt sống “kẻ thù” là thái độ sợ hãi của cô bé. Nhưng ở vụ việc này tôi thấy sự lạ ở chỗ nguồn tung ảnh nóng trên không phải ở nguồn nào khác mà lại ở chính facebook của cô bé. Sau một hồi đổ lỗi cho bạn trai, cuối cùng cô bé cũng phải nói ra sự thật rằng những bức ảnh trên là do chính tay em tự đưa lên trang cá nhân của mình.

Mọi chuyên bắt đầu khi mấy cô bạn trong nhóm chơi trò khoe ảnh kín trên cơ thể, có đứa được người quen giới thiệu tới một studio uy tín chuyên chụp ảnh nude, có đứa lại được mấy anh nhiếp ảnh mời đi chụp hình ở những nơi phong cảnh hữu tình… Nhìn ảnh thấy đứa nào cũng có làn da trắng mịn, vòng 1 căng tròn… không giống ngoài đời, Lan chê bạn bè dùng ảnh chỉnh sửa. Mấy đứa bạn thách Lan thử chụp xem có hơn ai. Để cho đám bạn biết mặt nên tối hôm đó cô bé tự dùng điện thoại chụp hình phần trên cơ thể và đưa lên trang cá nhân của mình. Nhưng chính sự nông nổi này đã hại Lan.

Một câu chuyện tương tự diễn ra vào tháng 3-2016. Thông tin từ CATP Đà Lạt cho biết đã hoàn tất hồ sơ chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố đối tượng Bùi Hữu Trung, 34 tuổi, trú tại khu phố 1, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, về hành vi “Làm nhục người khác”. Theo thông tin từ CQĐT, vào khoảng tháng 9-2015, Bùi Hữu Trung lên mạng xã hội zalo, tạo tài khoản có tên “Mai Anh” rồi đưa hình ảnh phụ nữ lên trang cá nhân của mình nhằm mục đích giả nữ, kết bạn với những bạn gái. Trung tìm được tài khoản “Anh Thư” của em L. H. A. T (14 tuổi), học sinh lớp 8 của một trường tại TP Đà Lạt. Sau khi làm quen, Bùi Hữu Trung lên mạng tải những hình ảnh khỏa thân của phụ nữ và nói trao đổi với hình ảnh khỏa thân của L H A T. Em T không biết đối tượng là nam nên đồng ý. Ban đầu, T chụp 10 tấm ảnh khỏa thân rồi gửi vào tài khoản “Mai Anh” của Trung.

Vào đầu tháng 2-2016, Trung kết bạn và gửi ảnh khỏa thân của T cho 2 người bạn cùng lớp của T có tài khoản là “Thu Uyên” và “Minion” để tống tình nạn nhân. Thấy con suốt ngày cầm điện thoại, mẹ của T theo dõi, phát hiện con mình có hình khỏa thân nên không cho T sử dụng điện thoại nữa. Không liên lạc được với T, từ ngày 15-2 đến ngày 22-2-2016, Trung đăng liên tiếp 17 hình khỏa thân của em T lên trang nhật ký của mình. Sau khi ảnh của T bị phát tán rộng rãi, nhiều bạn bè và người thân biết chuyện, T đã bỏ học ngay sau đó. Phát hiện toàn bộ sự việc, gia đình em T đã đến CATP Đà Lạt trình báo. Tại CQCA, Bùi Hữu Trung đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.

 

 Sự bốc đồng đua đòi nhau về bề ngoài cơ thể khiến không ít nữ sinh tự đánh mất mình. Ảnh: phunutoday
Sự bốc đồng đua đòi nhau về bề ngoài cơ thể khiến không ít nữ sinh tự đánh mất mình. Ảnh: phunutoday


Yêu là cho tất?!

Giờ không ít học sinh, sinh viên có suy nghĩ tình yêu không đi cùng tình dục chẳng khác nào chuyện lạ!? Câu chuyện nữ sinh viên tên P, học tại trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng là ví dụ điển hình. Sau nhiều lần người yêu gạ gẫm, P đã tin tưởng gửi 9 bức ảnh khỏa thân của mình cho người yêu học cùng trường tên Nguyên. Kết quả, sau khi chia tay, Nguyên đã dùng ảnh của P để tống tiền cô phục vụ cho việc… chạy theo những mối tình khác. P đã trình báo CA phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Theo Tiến sỹ tâm lý học Lê Thu Hà, việc các thanh niên thích tự chụp ảnh cơ thể tải lên trang mạng cá nhân để khoe với mọi người một phần là do tâm lý lứa tuổi muốn hấp dẫn người khác giới. Thực tế là hiện nay không ít người được gọi là "sao" nhờ khoe cơ thể. Khi các em tiếp cận với những hình ảnh và thông tin dạng này mà không có sự định hướng giáo dục của gia đình, nhà trường thì đương nhiên các em sẽ nhận thức kiểu: sexy là một giá trị.

Bên cạnh đó, sự non nớt của tuổi trẻ dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ, coi tình dục là nhu cầu hết sức bình thường trong tình yêu nên không ngại ngần để bạn trai chụp ảnh, ghi lại clip làm kỷ niệm. Kết cục là không ít bạn trẻ đã phải ân hận về sự dễ dãi của mình. Thực ra câu chuyện nữ sinh bị tung ảnh sex, bị bạn trai dùng ảnh sex để gây áp lực thường xuyên được báo chí cảnh tỉnh. Nhưng có lẽ thời gian sống với mạng ảo nhiều hơn sống với những thông tin thật nên năm nào cũng có nữ sinh vướng phải chuyện đáng buồn xung quanh những bức ảnh khỏa thân hay những clip nhạy cảm.

Thiết nghĩ, nhà trường hay các bậc làm cha mẹ hãy sưu tầm những câu chuyện như trên để ý tứ nhắc nhở con em mình, coi đó là bài học phòng thân.

 

PGS. TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên chủ nhiệm khoa tâm lý (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH quốc gia Hà Nội) nhận định, việc một bộ phận nữ sinh, nam sinh khoe thân trên mạng trước hết là do các em chưa được nhận thức và giáo dục một cách đầy đủ về văn hóa giao tiếp. Không những thế, các em còn bị tác động bởi trào lưu, đua đòi với bạn bè… Rõ ràng, chúng ta còn yếu về giáo dục kỹ năng sống.

 

Theo PL&XH

.