VQG Cúc Phương được xây dựng với chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.
Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.
Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ.
Cùng với sự đa dạng và phong phú về khu hệ động, thực vật, nói đến Cúc Phương đó còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Với những cứ liệu về khảo cổ học, minh chứng Cúc Phương là nơi cư trú từ hàng nghìn năm trước của người Việt Cổ.
Nhằm gìn giữ và bảo tồn các nguồn gen quý, từ năm 1985, VQG Cúc Phương đã xây dựng vườn thực vật với diện tích 167 ha. Đến nay đã trồng và sưu tập được 811 loài. Trong đó có cây gỗ 295, nhập nội 5, ráy 25, cây ăn quả 20, tre trúc 15, cau dừa15, cây thuốc 296, lan 140 và tuế 15 loài. Vườn thực vật Cúc Phương được đánh giá là Vườn thực vật được xây dựng một cách bài bản đầu tiên trong hệ thống các VQG và khu BTTN ở Việt Nam.
|