Sau khi hãng hàng không Vietjet Air lên tiếng giải thích về vụ hãng này bị khách hàng khiếu nại lên Bộ GTVT, khách hàng đã tiếp tục phản hồi và cho rằng, cái khách hàng cần là sự công bằng.
 
 Khách hàng cho rằng, họ cần sự công bằng, khi họ muộn giờ thì bị phạt, vậy hãng muộn giờ cũng phải bị phạt tương tự.
Khách hàng cho rằng, họ cần sự công bằng, khi họ muộn giờ thì bị phạt, vậy hãng muộn giờ cũng phải bị phạt tương tự.
 
Sau khi Báo GĐ&XH đăng tải nội dung vụ việc và trả lời của hãng hàng không Vietjet về vụ việc thì phía khách hàng Đỗ Thị Tuyến nêu quan điểm: “Chúng tôi quan tâm đên sự công bằng, bình đẳng.
 
Nếu khách hàng chậm và phải nộp phạt 440.000 đồng thì khi hãng hàng không chậm chuyến cũng phải bồi thường cho khách hàng 440.000 đồng”.
 
Về vấn đề chậm chuyến, mới đây, dẫn nguồn tài liệu từ Cục hàng không, báo chí trong nước đã đăng tải nội dung cho thấy, hãng Vietjet “đội sổ” về số chuyến bay bị chậm.
 
Theo đó, trong tuần từ 12/4 đến 18/4, đã có 5.392 chuyến bay, trong đó 675 chuyến bị chậm, tỷ lệ 12,5% và 40 chuyến bị hủy, tỷ lệ 0,7%. Tỷ lệ này xấp xỉ mức chậm và hủy chuyến của quý 1 mà Cục hàng không đã thống kê trước đó.
 
Trong thời gian này, Vietjet Air là hãng có số chuyến chậm lớn nhất, với 273 chuyến. Gần 200 chuyến bị chậm do tàu bay về muộn. Bên cạnh đó, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng có 145 chuyến bị chậm do tàu bay về muộn.
 
Trước đó, như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, một khách hàng đã làm đơn khiếu nại Hãng hàng không Vietjet Air lên Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không, Thanh tra Bộ GTVT...
 
Khách hàng đứng đơn khiếu nại hãng hàng không Vietjet là bà Đỗ Thị Tuyến, ngõ 96, phố Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội. Bà Vân khiếu nại việc thu phí của hãng Vietjet đối với các thành viên trong gia đình bà khi sử dụng dịch vụ bay của đơn vị này.
 
Bà Tuyến cho biết, ngày 9/6, gia đình bà đi chuyến bay từ Đà Nẵng về Hà Nội, vé chuyến bay này có số hiệu là VJ502. Thủ tục check in được thực hiện tại quầy số 41.
 
Gia đình bà gồm 4 người gồm hai vợ chồng và hai con, số hành khách này đã hoàn thành thủ tục check in và ký gửi hành lý. Sau đó hoàn thành thủ tục kiểm tra an ninh và di chuyển ra cửa số 7 để lên máy bay.
 
“Tại cửa số 7, nhân viên của Vietjet Air hướng dẫn gia đình tôi quay lại quầy dịch vụ của hãng này để làm thủ tục bay chuyến sau. Một kiện hành lý ký gửi của gia đình tôi đã được nhận viên Vietjet tiếp nhận để lên chuyến bay VJ502 sau đó được chuyển lại để bay chuyến VJ 506” - bà Tuyến cho biết.
 
Khi xử lý thủ tục để đi chuyến sau, gia đình bà Tuyến được thông báo là phải nộp thêm 440.000 đồng/người, tổng cộng 4 người phải nộp hết 1.760.000 đồng với lý do là lên máy bay chậm.
 
Anh Hưng, chồng chị Tuyến cho biết, anh cảm thấy không được công bằng khi hãng hàng không Vietjet đối xử với gia đình anh trong trường hợp này. “Gia đình tôi đến sớm, xếp hàng theo thứ tự để làm thủ tục check in và đã hoàn thành mọi thủ tục theo quy định.
 
Khi di chuyển ra máy bay thì mới được thông báo là ra chậm giờ, lúc này tôi vẫn thấy chiếc máy bay của hãng đậu ở đường dẫn ra từ cổng số 7. Ngày hôm đó khách quá đông và ai cũng phải xếp hàng, nếu chen lấn, nhảy cóc thì quá vô duyên nên gia đình tôi nghiêm túc chờ đến lượt.
 
Những tưởng hoàn tất các công đoạn liên quan và di chuyển ra máy bay nữa là xong, ai ngờ...”.
 
Anh Hưng đặt hàng loạt câu hỏi về sự bất thường trong vụ việc này. Theo đó, thông thường, nếu hành khách chậm giờ thì quầy check in sẽ đóng và không tiếp nhận, xuất vé, nhận hành lý ký gửi. Còn ở đây, hãng đã hoàn thành các thủ tục nhưng vẫn không cho hành khách lên máy bay.
 
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến sự việc này tới độc giả.
 
Theo Việt Thúy/Giadinh.net
.