Gần 80 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào những ngày cách mạng sục sôi, đồng lòng đứng lên giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945. Khi đó, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá được Tỉnh ủy Thanh Hóa và Tỉnh bộ Việt Minh chọn làm nơi họp bàn và phát lệnh tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền đầu tiên của tỉnh.

Làng Mao Xá ở xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa), nay là thôn Toán Tỵ là cái nôi của truyền thống cách mạng tại địa phương. Nơi đây đã ghi dấu ấn những nhà hoạt động cách mạng sôi nổi thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nhắc đến Mao Xá không thể không nhắc đến Di tích lịch sử cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và Đảng bộ Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945. Đây cũng là quê hương của đồng chí Lê Công Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam năm 1930 - 1932 và đồng chí Lê Huy Toán, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa (1940 - 1942), cùng nhiều đồng chí lão thành cách mạng khác.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà đồng chí Lê Huy Toán, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa 1941 - 1942.

Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đảng viên và nhân dân xã Thiệu Toán lại cùng nhau ôn lại lịch sử, nhắc nhớ những đóng góp, công lao của hai cụ đối với phong trào cách mạng của địa phương và cả nước. Hai cụ là những nhân chứng sống, những bài học lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng cho các em học sinh tại địa phương.

Ngôi nhà của cụ Lê Huy Toán ở thôn Toán Tỵ vẫn còn giữ nguyên nếp nhà truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ, với cây đa, giếng nước. Trong ngôi nhà ấy vẫn còn lưu giữ những kỷ vật hoạt động cách mạng của cụ. Nơi đây là địa chỉ giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Tương tự, nếp nhà của cụ Lê Công Thanh cũng còn vẹn nguyên qua tháng năm.

Hiện nay, tại thôn Toán Tỵ có con đường mang tên Lê Huy Toán và Lê Công Thanh để nhắc nhở thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn, những đóng góp của hai cụ cho cách mạng.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà của cụ Lê Huy Toán vẫn còn giữ nguyên nếp nhà truyền thống của đồng bằng Bắc bộ, với cây đa, giếng nước.

Xã Thiệu Toán vốn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Năm 1927, nơi đây đã thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 4 năm 1934, xã đã thành lập Chi bộ và trở thành căn cứ cách mạng. Năm 1941, phong trào đàn áp của Pháp mở rộng, cơ sở Chi bộ của Thiệu Toán bị lộ, 20 đảng viên và cán bộ bị bắt giữ và kết án tù. Mặc dù bị đàn áp, bắt bớ, song tinh thần yêu nước của quân dân nơi đây không hề suy giảm, xã vẫn tiếp tục tổ chức các trung đội phản đế. Đến tháng 7 năm 1945, với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu kiên cường, nhân dân Thiệu Toán đã vô hiệu hoá chính quyền thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Việt Minh. 

Ngày 13 và 14/8/1945, tại gia đình cụ Tô Đình Bảng, làng Mao Xá (xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa), Tỉnh uỷ và Tỉnh bộ Việt Minh đã chọn làm nơi tổ chức hội nghị bàn và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Hội nghị nhận định, tình thế cách mạng đã chín muồi và quyết định những chủ trương, biện pháp, xây dựng kế hoạch sẵn sàng, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương Đảng, song, Hội nghị đánh giá thời cơ khởi nghĩa đã đến và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch, cử các đồng chí chủ chốt về tổ chức lãnh đạo giành chính quyền ở các địa phương.

Trong hai ngày 17 và 18/8/1945, công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương ở khắp các địa phương. Chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được phổ biến tới các huyện, thị. Các đồng chí trưởng ban khởi nghĩa các phủ, huyện được tỉnh phân công đã kịp thời về địa phương mình phụ trách, cùng với chi bộ Đảng, Ban cán sự Việt Minh gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện và vạch kế hoạch tác chiến. Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa Tỉnh được phát ra, quần chúng cách mạng và tự vệ ở khắp các phủ, huyện trong tỉnh nhất tề vùng lên như vũ bão, lật đổ chính quyền thực dân, phát xít, giành độc lập.

Xã Thiệu Toán ngày nay mang tên liệt sĩ Lê Huy Toán, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã hy sinh nơi chốn lao tù của thực dân. Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Thiệu Toán đã tiễn đưa hàng nghìn thanh niên xung phong lên đường cứu nước, trong đó có 143 người con ưu tú đã ngã xuống, 138 thương, bệnh binh. Toàn xã có 61 gia đình được trao Bằng có công với nước, 59 cán bộ lão thành cách mạng, 19 cán bộ tiền khởi nghĩa, 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân trong thôn Toán Tỵ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thu nhập bình quân trong thôn đạt gần 55 triệu đồng/người, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 98,8%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92%. Đây là những điều kiện quan trọng, góp phần giúp Thiệu Toán sớm trở thành xã Nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, giờ đây trên những cánh đồng, đỉnh núi, triền đê của mảnh đất Thiệu Toán đã phủ tràn màu xanh của ấm no, hạnh phúc. Tám thập kỷ đã trôi qua, sau những năm tháng lịch sử ấy, Thiệu Toán hôm nay đang viết tiếp bài ca ngày mới, xây dựng quê hương “thay da đổi thịt”. Sản xuất nông nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được quan tâm đầu tư xây dựng. Bộ mặt phố phường, làng xóm ngày một khang trang, sạch đẹp; những cánh đồng lúa xanh bát ngát trải dài...

Với những nỗ lực không ngừng qua các thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thiệu Toán vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân Dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, làng Mao Xá ngày nay đã được Nhà nước công nhận là cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Giờ đây, nhân dân Thiệu Toán tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền  nguyện một lòng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp xứng đáng với niềm tự hào của một vùng quê cách mạng.

Ngày 15/10/1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cho cụm cơ sở cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945. Đây là 3 ngôi nhà và khuôn viên của các đồng chí: Lê Công Thanh, nguyên ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam năm 1930 - 1932; Lê Huy Toán, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa 1941 - 1942; Tô Đình Bảng, nơi hội nghị Tỉnh ủy Thanh Hóa họp ngày 15 - 17/8/1945 triển khai lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa. Cả ba ngôi nhà trên đều ở làng Mao Xá (nay là thôn Toán Tỵ), xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa. Tại thời điểm ký quyết định, cả 3 ngôi nhà còn gần như nguyên trạng.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà đồng chí Lê Công Thanh, nguyên ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam năm 1930 - 1932.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Toán Lê Doãn Mạnh cho biết, điều tuyệt vời nhất là, xã đã xây dựng nhà truyền thống ngay gần 3 ngôi nhà của cụ Toán, cụ Thanh và cụ Tô Đình Bảng. Nhà truyền thống nằm trong khuôn viên rộng rãi với hồ sen thơm ngát.

Nhân kỉ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, xã Thiệu Toán đã cho sơn lại phía ngoài nhà truyền thống và dọn dẹp lại khuôn viên. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều tư liệu quý về các vị lão thành cách mạng của làng Mao Xá nói riêng và xã Thiệu Toán nói chung, cũng như những hình ảnh về 3 ngôi nhà trước thời điểm được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia...

Đinh Huê