Độc giả đang dần hình thành tâm lý lo sợ vì những câu chuyện được kể với tần suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng như: chuyện bố ruột ngược đãi, đánh con dẫn đến thương tích 60%, vợ giết và phân xác chồng, ông hiếp dâm cháu, hay bà giết và giấu xác cháu... Những câu chuyện thường ngày ấy khiến chúng ta không khỏi giật mình, sợ hãi...

Người ta có thể đánh, đấm nhau một cách thản nhiên mặc cho đó là một người qua đường lạ mặt hoặc ngay cả với những người thân thiết trong gia đình vì những lý do nhỏ nhặt, không đáng có trong sinh hoạt thường ngày.

Các tin tức về những sự việc tương tự xuất hiện dày đặc trên mặt báo chứng tỏ đời sống xã hội hiện tại thực sự đang có nhiều điều bất ổn. Lối ứng xử đúng mực giữa người với người đang bị xem nhẹ hoặc thậm chí đang dần biến mất, thay vào đó là bạo lực và đối kháng.

Những khái niệm như “Thương người như thể thương thân” đang dần trở thành một khái niệm xa xỉ, xã hội ngày càng hiện đại, con người ngày càng đa nghi và đa đoan. Họ ngờ vực lẫn nhau, họ nghi ngại lẫn nhau và rồi họ lại thu mình như một con nhím có thể phóng gai ngay lập tức nếu phát hiện ra một chút dấu hiệu nguy hại đến bản thân. Một vài người tốt đang nhìn kẻ ăn xin nghèo nàn bằng ánh mắt nghi ngại, người khó khăn đang được quan tâm nhiều vì họ có khả năng mang đến cái danh tốt cho đơn vị từ thiện...

leftcenterrightdel
 Mỗi cá nhân cần tự ý thức về sự hạnh phúc của bản thân mình.

Xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống dường như đang đi theo đúng quy luật phát triển của nó. Phát triển lên đến đỉnh cao rồi cũng phải suy tàn để nhường chỗ cho một xã hội phát triển hơn. Chúng ta đang sống trong giai đoạn xã hội có nhiều biến động, đạo đức bị suy đồi, văn hóa bị mai một dẫn đến các giá trị truyền thống bị băng hoại. Phải chăng cái xã hội mà Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã vẽ nên trong tiểu thuyết “Số đỏ” đang trở lại, một xã hội hiện đại, văn minh nhưng ẩn chứa toàn những điều dối trá và lừa bịp, con người trong xã hội sống với nhau bằng sự e ngại và dè chừng.

Những câu thơ như “Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu) hình như không còn là chân lý nữa. Giá trị xã hội không còn, niềm tin vào xã hội đã mất, người với người sống với nhau bằng sự “vô cảm”, thậm chí, sự “vô cảm” đó đang len lỏi vào trong suy nghĩ và dần dần trở thành ý thức sống của nhiều người.

Mọi người đang đối xử tệ với nhau vì xung đột lợi ích hoặc là lợi ích cá nhân, hoặc là lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, kinh tế cũng là yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa. Phát triển kinh tế là điều quan trọng, không có kinh tế con người không thể sống đầy đủ. Tuy nhiên, coi trọng kinh tế hơn văn hóa, con người không thể sống hạnh phúc, đây là điều cốt lõi mà người Việt Nam có thể đang mắc phải. Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là một câu chuyện dài của mỗi cá nhân, đồng thời cũng là câu chuyện của cả một đất nước.

Và trong đời sống hiện tại, nghị lực của một người muốn vượt lên chính mình đã không phải vì mình nữa mà còn là vì xã hội, vì giá trị văn hóa. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng kỳ thực xã hội hiện tại chỉ thay đổi khi các cá thể trong xã hội ấy thay đổi. Trong một buổi chia sẻ với sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Tôi nghĩ rằng trong mỗi chúng ta, mỗi người đều có những giá trị tốt đẹp. Điều ý nghĩa và cũng là điều khó nhất với mỗi người, trong đó có tôi và các bạn là phải cố gắng vượt lên chính mình để những điều tốt đẹp được nhân lên và những điều chưa tốt, những tiêu cực trong xã hội bị kiểm chế, bị ngăn chặn, đẩy lùi. Tôi rất mong các bạn cùng với tôi, chúng ta hãy cùng cố gắng, cùng chúc nhau, hằng ngày, hằng giờ, hằng giây làm được điều đó”.

Cá nhân nhân rộng điều tốt đẹp, tử tế, kiềm hãm tiêu cực, xã hội hiển nhiên sẽ tốt đẹp lên. Mỗi cá nhân cần tự ý thức về sự hạnh phúc của bản thân mình mới có thể tạo nên xã hội “an lành, đầy tình người và văn hóa”.

Phạm Thảo